Đề xuất 'gỡ vướng' dự án vành đai 2 TPHCM như thế nào?
TPHCM cần hơn 30.000 tỷ đồng để thực hiện khép kín đường Vành đai 2. Hiện nay, các cơ quan chức năng liên quan đang nỗ lực giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án.
- 11-06-2024Loạt cây cầu nối "đôi bờ", sân bay Long Thành sắp hiện hữu, bất động sản Nhơn Trạch (Đồng Nai) có nhiều diễn biến mới
- 11-06-2024Những trường hợp được bồi thường thiệt hại về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai 2024, người dân cần biết
- 11-06-2024Giá bán nhà phố, biệt thự cao "chóng mặt", xuất hiện dự án mở bán căn nhà phố lên tới 120 tỷ đồng
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM vừa báo cáo UBND TP về các dự án đầu tư xây dựng khép kín đường Vành đai 2 TPHCM.
Kiến nghị ‘gỡ vướng’
Theo Sở GTVT TPHCM, công tác chuẩn bị đầu tư dự án Vành đai 2 được triển khai trong bối cảnh Cục Đường sắt Việt Nam đang triển khai lập điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TPHCM.
Về phía TPHCM cũng đang hoàn thiện các Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và Quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040.
Do đó, việc nghiên cứu quy mô đầu tư dự án Vành đai 2 cần gắn với các nội dung đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nêu trên.
Theo Sở GTVT TPHCM, đối với tuyến metro số 6, hướng tuyến đề xuất trên đoạn Vành đai 2 (cầu Phú Hữu – Phạm Văn Đồng) còn nhiều nhược điểm: không kết nối được với nhà ga Bình Thái thuộc tuyến metro số 1 (đã xây dựng); hướng tuyến băng qua các nút giao khác mức (nút Bình Thái, nút Vành đai 2 – Phạm Văn Đồng), yêu cầu kỹ thuật phức tạp.
Sở GTVT đã phối hợp các đơn vị tư vấn điều chỉnh cục bộ hướng tuyến metro số 6 để khắc phục các nhược điểm nêu trên.
Đối với tuyến đường trên cao số 5 dọc theo Vành đai 2, Sở Giao thông vận tải đề xuất bổ sung vào các quy hoạch liên quan tiêu chí mở: “Trong quá trình nghiên cứu, lập dự án đầu tư, tùy từng đoạn tuyến, có thể xem xét phương án tuyến đi dưới mặt đất, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và hiệu quả kinh tế".
Đối với hai đoạn tuyến Đường sắt Quốc gia chủ yếu liên quan dự án xây lắp đoạn 2. Ban Giao thông chưa thống nhất các phương án với Cục Đường sắt Việt Nam, chưa hoàn thiện và trình Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Nhằm đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trong đó ưu tiên xác định và thống nhất ranh chiếm dụng dự án, làm cơ sở triển khai các dự án Bồi thường, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất của Sở GTVT về các nội dung điều chỉnh liên quan tuyến metro số 6 và tuyến đường trên cao dọc Vành đai 2 nêu trên; tổ chức cập nhật vào các Đồ án quy hoạch có liên quan.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, thống nhất giữa các đơn vị về các nội dung liên quan quy hoạch nêu trên, giao Ban Giao thông khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, xác định ranh chiếm dụng công trình, gửi về Sở GTVT, làm cơ sở báo cáo UBND TP chấp thuận để triển khai các dự án Bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Cần hơn 30.000 tỷ đồng để khép kín Vành đai 2
Theo Sở GTVT TPHCM, đường Vành đai 2 có tổng chiều dài khoảng 64 km. Trong đó, đã đầu tư xây dựng đưa vào khai thác khoảng 50 km (gồm đoạn tuyến quốc lộ 1A (từ Gò Dưa đến An Sương) dài 13,5km; đoạn tuyến Quốc lộ 1A (từ An Sương đến An Lạc) dài 13,5km; đoạn tuyến theo đường Nguyễn Văn Linh dài 12,4km; đoạn tuyến từ nút giao Khu A đến cầu Phú Hữu trên đường Võ Chí Công dài 11km), với quy mô từ 6 đến 12 làn xe.
Hiện nay, Sở GTVT đang nghiên cứu để triển khai thực hiện đầu tư các dự án khép kín đường Vành đai 2 với tổng chiều dài 14 km còn lại, gồm 4 đoạn. Trong đó, đoạn 3 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa) có chiều dài 2,7 km đã được triển khai từ năm 2017 theo hợp đồng BT(xây dựng - chuyển giao), với tổng mức đầu tư hơn 2,700 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện dự án mới đạt 44% khối lượng công trình và tạm ngưng thi công.
Hiện nay, các sở ngành đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho đoạn này. Nếu giải quyết được các khó khăn, đoạn 3 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng năm 2024 và hoàn thành thi công năm 2025.
Đối với 3 đoạn còn lại (đoạn 1, 2 và 4) có tổng chiều dài hơn 11 km, Sở GTVT TPHCM cho biết cần hơn 30.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng lên đến 21.821 tỷ đồng, chiếm khoảng 2/3 tổng mức đầu tư.
Cụ thể, đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, TP.hủ Đức) dài 3,5 km, có tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỷ đồng. Dự án đã được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2023. Hiện nay TP Thủ Đức đang thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công vào tháng 12 năm nay.
Đoạn 2 (từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức) dài 2,8 km, tổng vốn đầu tư khoảng 4.543 tỷ đồng. Dự án này cũng được dự kiến khởi công vào tháng 12 năm nay.
Đối với đoạn 4 (từ quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh), UBND TPHCM đã giao Sở GTVT tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tuy nhiên hiện nay đoạn này chưa được bố trí vốn trong năm 2024 để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án.
Tiền Phong