MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất kéo dài thời gian thí điểm tiền lương tại doanh nghiệp nhà nước sau 1 năm áp dụng

Đề xuất kéo dài thời gian thí điểm tiền lương tại doanh nghiệp nhà nước sau 1 năm áp dụng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất kéo dài thời gian thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đến tháng 7/2022.

Kéo dài thời gian thí điểm tiền lương với một số tập đoàn nhà nước đến tháng 7/2022

Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có tờ trình gửi Chính phủ về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ -CP quy định thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Theo đó, Bộ đề xuất kéo dài thời gian thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đến tháng 7/2022.

Lý giải về đề xuất này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, do thời gian thực hiện thí điểm ngắn (trong năm 2020), lại trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của 3 doanh nghiệp thực hiện thí điểm bị tác động lớn, nên chưa thể đánh giá được mối quan hệ giữa tiền lương và hiệu quả sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thí điểm.

Trong khi cơ chế tiền lương mới phải lùi sang thực hiện từ tháng 7/2022 theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 9/10/2020 của Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Việc lùi thời điểm thực hiện cơ chế tiền lương mới sẽ tạo ra khoảng trống áp dụng từ năm 2021 dẫn đến phát sinh bất cập đó là các doanh nghiệp chưa có cơ chế tiền lương mới để áp dụng trong khi thời gian thí điểm đã hết.

Trong thời gian chờ cơ chế tiền lương mới được ban hành (từ 2021 đến tháng 7/2022) về nguyên tắc, 3 Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện thí điểm phải quay lại thực hiện cơ chế tiền lương chung đối với doanh nghiệp nhà nước, dẫn đến những nội dung mới đã triển khai (như thang lương, bảng lương, quy chế trả lương, đơn giá tiền lương khoán, chuyển xếp lương cho người lao động và người quản lý...) đã xây dựng và đang thực hiện sẽ phải bỏ.

Đề xuất đảm bảo lương cao hơn 65% mức năm 2019 trong trường hợp đặc biệt

Bên cạnh việc đề xuất kéo dài thời gian thực hiện thí điểm quản lý tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP trong bối cảnh chịu tác động bởi dịch Covid-19. Cụ thể, dự thảo nghị định quy định việc trích lập quỹ dự phòng tiền lương cho năm sau không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện như quy định hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, tiếp tục liên quan đến Nghị định số 20/2020/NĐ-CP, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, nghị định này đang quy định xác định quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành theo chỉ tiêu khoán lương, có 2/3 đơn vị thực hiện khoán lương theo sản phẩm (Tổng công ty Hàng không Việt Nam - VNA và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - VATM).

Vì tác động của đại dịch Covid-19, chỉ tiêu khoán lương của 2 đơn vị này bị giảm sâu, dẫn đến tiền lương, thu nhập bị sụt giảm nhiều so với năm 2019 (năm trước khi thực hiện thí điểm). Nếu vẫn thực hiện theo cơ chế tiền lương như trước khi thí điểm thì ít nhất cũng đạt mức 65% tiền lương, thu nhập năm 2019.

Nhằm khắc phục vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung quy định về xác định tiền lương đối với người lao động và người quản lý khi thực hiện Nghị định số 20/2020/NĐ-CP khi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như bị tác động bởi dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến năng suất lao động và hiệu quả của doanh nghiệp.

Cụ thể, xác định tiền lương của người lao động, người quản lý trong trường hợp doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan mà tiền lương thấp hơn 65% so với năm 2019 (trước khi thực hiện thí điểm) thì được xác định cao hơn đến 65% mức tiền lương của năm 2019 và bảo đảm không thấp hơn tiền lương theo thang lương, bảng lương của công ty. Khi thực hiện quy định này, công ty phải hoàn thành kế hoạch lợi nhuận được cơ quan đại diện chủ sở hữu giao.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên