MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất lấn 1.500 ha vịnh Vân Phong

05-05-2021 - 14:59 PM | Bất động sản

Đề xuất lấn 1.500 ha vịnh Vân Phong

Khu kinh tế (KKT) Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa có tổng diện tích khoảng 150.000 ha nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh (khu vực Bắc Vân Phong) và thị xã Ninh Hòa (khu vực Nam Vân Phong), trong đó 70.000 ha mặt đất, còn lại là diện tích mặt nước. Đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút được 129 dự án với tổng vốn hơn 4,1 tỉ USD.

Trong đó, khu vực Bắc Vân Phong đã thu hút được 61 dự án (38 dự án đã đi vào hoạt động) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 11.600 tỉ̉ đồng, vốn thực hiện chỉ đạt gần 2.000 tỉ đồng. Khu vực Bắc Vân Phong trong quy hoạch chung vẫn còn nhiều khu chức năng và khu đất chưa sử dụng cần điều chỉnh.

Theo Ban Quản lý KKT Vân Phong, sau cuộc họp do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì ngày 12-3, đơn vị tư vấn đã đánh giá lại thực trạng vùng quy hoạch; chỉnh sửa, bổ sung các nội dung thay đổi về ranh giới, quy mô, phạm vi ngành nghề và định hướng phát triển KKT Vân Phong. Theo đó, đơn vị tư vấn đã bổ sung xã Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh) với diện tích khoảng 3.500 ha và phần lấn biển với diện tích 1.500 ha trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong.

Khu vực Vạn Ninh hiện xuất hiện tình trạng biển xâm thực. Nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã và đang tiến hành làm các đoạn kè biển, lấy kinh phí từ nguồn vốn trung ương và địa phương. Đơn cử như khu vực thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) đang hoàn thành kè dài hơn 1,3 km, bố trí như một đê quai lấn biển khoảng 110 m, trong đó phạm vi lấn biển khoảng 60-80 m. Theo đơn vị quy hoạch, việc lấn 1.500 ha biển hiện chưa xác định cụ thể nhưng chủ trương sẽ lấn ở những vị trí sát bờ vịnh là các bãi cạn, thường xuyên bị xâm thực, ô nhiễm... thuộc các xã ven vịnh Vân Phong.

Đề xuất lấn 1.500 ha vịnh Vân Phong - Ảnh 1.

Khu vực thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh đang xây dựng bờ kè lấn vịnh Vân Phong 60-80 m để tránh xâm thực

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng cần phải làm kỹ việc lấn biển này: cách làm như thế nào; làm rõ không gian lấn biển, tạo vành đai xanh, phát triển thành khu đô thị mới tại khu vực Tu Bông. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng phải quan tâm vấn đề cấp điện, cấp nước cho khu vực Vân Phong; Sở Giao thông Vận tải tham mưu, góp ý, tích hợp quy hoạch ngành vào đồ án để bảo đảm đồng bộ.

Ông Trần Xuân Tây, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này, cho rằng diện tích 1.500 ha lấn biển mà đơn vị tư vấn đề xuất quá lớn nên cần đánh giá lại vị trí lấp cho phù hợp. Ở huyện Vạn Ninh có một số mỏ đá đang khai thác nhưng cần phải rà soát, đánh giá lại trữ lượng. "Đơn vị tư vấn cần phải có đánh giá khu vực nào cần lấn để phát triển kinh tế nhưng phải lấn như thế nào? Còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu để bảo đảm môi trường biển, đa dạng sinh học biển... Hiện nay, khu vực Vạn Ninh nhất là rìa dọc Quốc lộ 1 đang bị xâm thực rất nhiều, cần thiết lấn biển để bảo đảm an sinh" - ông Tây đánh giá.

Theo tiến sĩ Lê Đình Mầu (Viện Hải dương học), việc lấn biển cũng diễn ra ở một số nước thiếu đất đai nhưng họ có công nghệ xử lý môi trường cũng như được tính toán, thiết kế rất cẩn thận. Còn ở nước ta, đa số việc lấn biển đều do doanh nghiệp thực hiện, thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra. Việc đánh giá tác động môi trường cũng không được nghiên cứu bài bản hoặc thực hiện không nghiêm túc. Do đó, cơ quan quản lý cần phải tính toán hài hòa, tránh phá vỡ cảnh quan, vi phạm môi sinh, môi trường.

Theo ông Hoàng Đình Phi, Trưởng Ban Quản lý KKT Vân Phong, để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đồ án quy hoạch, Ban Quản lý KKT Vân Phong cam kết sẽ tổ chức lấy ý kiến các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh và các tổ chức phản biện xã hội vào tháng 5; tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa vào ngày 15-5; báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh vào cuối tháng 5; tiếp thu, giải trình ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành để hoàn thiện đồ án, trình thẩm định, phê duyệt trong tháng 6.

Theo Kỳ Nam

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên