Đề xuất lập ga hàng không trung chuyển trong nội đô TP.HCM
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu lập ga hàng không trung chuyển trong nội đô TPHCM, nhằm mục tiêu tiết kiệm chi phí cho hành khách và giảm ùn tắc các tuyến đường cửa ngõ Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất.
Theo đó, ga trung chuyển sẽ đặt tại dự án khu trung tâm thương mại và bãi đậu xe nằm tiếp giáp đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Du thuộc phường Bến Thành, cách CHKQT Tân Sơn Nhất khoảng 8km.
Theo quy hoạch tổng thể đã được UBND TP.HCM phê duyệt, vị trí dự kiến đặt ga trung chuyển kết nối trực tiếp với nhà ga số 2 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 Thủ Thiêm - Bến Thành - Tham Lương, từ đó sẽ kết nối với tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành để đến CHKQT Long Thành trong tương lai.
Với ga trung chuyển này, hành khách được làm thủ tục ở trung tâm thành phố. Hành khách và hành lý sẽ được kiểm soát an ninh ngay từ khi làm thủ tục, trong quá trình ra sân bay cho tới khi đến Tân Sơn Nhất, di chuyển vào khu cách ly. Đây là mô hình đã được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới nhưng chưa từng xuất hiện tại Việt Nam.
Đại diện ACV cho biết, nếu được chấp thuận, chủ đầu tư là Tập đoàn Đông Dương sẽ làm việc với cơ quan chức năng để giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan, trong đó có quy trình xuất nhập cảnh, cấp phép khai thác dịch vụ hàng không...
Trước đó, để "giải cứu" tình trạng kẹt xe trầm trọng tại các cửa ngõ ra vào sân bay, TP.HCM đã và đang nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường trên cao nối trực tiếp từ trung tâm quận 1 đến chân sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đó, ba liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH Dịch vụ thương mại sản xuất và xây dựng Đông Mê Kông và Công ty cổ phần Hạ tầng Đông Á đã đề xuất xây dựng dự án đường trên cao kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất có tổng chiều dài 3.240m.
Từ điểm đầu là sảnh nhà ga quốc tế T2, tuyến đường trên cao có hướng tuyến chạy qua trước nhà ga quốc nội T1 ra đường Thăng Long rồi đi dọc tuyến đường này vượt qua đường Phan Thúc Duyện, qua công viên Hoàng Văn Thụ chia làm hai nhánh lần lượt kết nối vào đường Hoàng Văn Thụ và đường Nguyễn Văn Trỗi.
Dự án có tổng dự toán ban đầu là 2.600 tỉ đồng, được các nhà đầu tư đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó ngân sách TPHCM hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng khoảng 450 tỉ đồng, phần còn lại (2.150 tỉ đồng) hoàn vốn bằng quỹ đất.
Việc kết nối sảnh đi nhà ga quốc tế, nhà ga quốc nội với hệ thống đường trên cao sẽ tạo thuận lợi cho xe lưu thông ra khỏi khu vực sân bay trong thời gian nhanh nhất.
Cụ thể: Các nút giao với đường Thăng Long giúp xe từ khu nhà ga T1, T2 lưu thông ra khỏi sân bay theo hướng Tây của TP tại lối ra trên đường Thăng Long kết nối với đường Cộng Hòa. Các phương tiện cũng có thể thoát ra khỏi sân bay từ khu nhà ga lưỡng dụng đi vào trung tâm TPHCM qua tuyến đường trên cao tại nhánh vào trên đường Phan Thúc Duyện sau khi vượt qua nút giao bằng với đường Thăng Long.
Dự án sẽ góp phần giảm ùn tắc cho khu vực bên ngoài sân bay nếu kết nối với tuyến đường trên cao số 1 sẽ đầu tư trong tương lai. Theo đại diện Sở GTVT, tuyến đường trên cao kết nối sân bay Tân Sơn Nhất là dự án mới đang được tính toán bổ sung, ngoài quy hoạch 5 tuyến đường trên cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Liên danh các nhà đầu tư cũng đề xuất cơ chế đặc thù cho việc thực hiện dự án, như các dự án chỉ định nhà đầu tư đang triển khai.
Trước đó, vào tháng 9/2016 liên danh các nhà đầu tư đã đề xuất đầu tư đường trên cao với tổng chiều dài 5.010m và có vốn đầu tư 3.500 tỉ đồng, nay rút gọn lại chiều dài còn 3.240m và vốn đầu tư còn 2.600 tỉ đồng.