MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất lập thêm 2 thành phố mới thuộc Hà Nội

10-11-2023 - 16:39 PM | Xã hội

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường ở Hà Nội theo nghị quyết số 97 và bổ sung 2 thành phố thuộc Hà Nội.

Chiều 10/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tổ chức 2 thành phố thuộc Hà Nội

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề xuất thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc TP Hà Nội.

Đề xuất lập thêm 2 thành phố mới thuộc Hà Nội - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). (Ảnh: Quochoi.vn).

Tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của Hội đồng nhân dân.

Dự kiến thời gian tới Hà Nội có thêm 2 thành phố mới, trong đó thành phố phía Bắc thuộc vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn (thành phố logistics, dịch vụ) và thành phố phía Tây thuộc vùng Hoà Lạc, Xuân Mai (thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học).

Thành phố phía Bắc rộng khoảng 633km2, dân số 3,25 triệu người; thành phố phía Tây rộng 251km2, dân số khoảng 1,2 triệu người.

Theo dự thảo luật, mô hình tổ chức 2 thành phố mới của Thủ đô sẽ có những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban đô thị...

Cơ chế về tuyển dụng nhân tài

Công tác cán bộ tại Hà Nội được quản lý thống nhất từ cấp xã đến thành phố với các tiêu chuẩn chung. Để thu hút nhân tài cống hiến cho thành phố, Chính phủ đề xuất Hà Nội có chế độ đãi ngộ nhân tài riêng, như tuyển dụng không qua thi tuyển.

Tương tự cơ chế áp dụng cho TP.HCM, Hà Nội cũng được chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô và một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn. Tổng mức chi cho nội dung này không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, Hà Nội được quy định một số ưu đãi cho khoa học, công nghệ khác với pháp luật hiện hành, trong đó có mở rộng diện áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và công nghệ. Thành phố quy định định hướng phát triển các khu công nghệ cao ở Thủ đô và một số vấn đề chung về Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hà Nội.

HĐND TP Hà Nội cũng quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Đề xuất cắt điện, nước với công trình vi phạm

Dự luật cũng đề xuất bổ sung 3 lĩnh vực mà Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định, gồm phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo.

Quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy.

Dự thảo cũng đề xuất quy định di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài hoặc thâm dụng lao động, cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu vực nội đô lịch sử, đô thị trung tâm.

Cho phép hỗ trợ, ưu đãi thu mua, chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.


Phạm Duy/VTC News

VTC News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên