Đề xuất lấy ý kiến cư dân bằng văn bản sẽ phát sinh thêm nhiều tranh chấp?
Dự thảo Thông tư về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư để sửa đổi, bổ sung một số quy định, trong đó cho phép lấy ý kiến cư dân bằng văn bản...
Đề xuất lấy ý kiến cư dân bằng văn bản
Cụ thể, theo dự thảo, đối với hội nghị của tòa nhà chung cư thì phải có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự, theo quy định hiện hành là phải có trên 75%. Nếu không đủ số người tham dự quy định tại điểm này thì vẫn tiến hành tổ chức họp hội nghị nhà chung cư và lấy ý kiến của các chủ sở hữu không tham dự hội nghị về các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 102 của Luật Nhà ở.
Việc lấy ý kiến phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì phải có chữ ký của những người được gửi lấy ý kiến. Khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong việc lấy ý kiến.
Hội nghị nhà chung cư tổng hợp kết quả tại cuộc họp với việc lấy ý kiến của những người không dự họp và lập thành biên bản có chữ ký của người chủ trì cuộc họp.
Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày tổ chức cuộc họp theo quy định tại điểm này mà không đủ 50% đại diện chủ sở hữu tham gia họp và số người lấy ý kiến thì chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu căn hộ đề nghị Ủy ban nhân dân cấp phường tổ chức hội nghị nhà chung cư theo quy định tại khoản 5 Điều này…
Việc đưa quy định "lấy ý kiến cư dân bằng văn bản" vào Dự thảo Thông tư Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng đang được dư luận đặt ra câu hỏi về tính khả quan.
Nhiều quan điểm cho rằng, việc lấy ý kiến bằng văn bản phần nào cũng giải quyết được việc khó khăn khi Hội nghị nhà chung cư liên tục không tập trung đủ cư dân tham gia. Tuy nhiên, một số khác lo ngại, việc lấy ý kiến bằng văn bản sẽ gây thêm nhiều hệ luỵ, tranh chấp căng thẳng giữa cư dân và Ban quản trị.
Sẽ phát sinh thêm nhiều tranh chấp?
Trao đổi với VnEconomy, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 102, Luật Nhà ở, thì hội nghị nhà chung cư được tổ chức họp để quyết định đề cử, bầu, bãi miễn các thành viên Ban Quản trị nhà chung cư; thông qua, bổ sung, sửa đổi Bản Nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư…
Trên thực tế, khi tổ chức hội nghị lấy ý kiến của dân cư, luôn xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư hay công ty khai thác, quản lý chung cư đó.
Do vậy, việc dự thảo Thông tư cho phép lấy ý kiến cư dân bằng văn bản nếu không công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện cho nhiều chủ đầu tư vi phạm pháp luật, đưa người của mình vào Ban quản trị, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân.
Thậm chí, chính quy định của dự thảo nêu trên sẽ càng làm phát sinh thêm nhiều tranh chấp giữa người dân và chủ đầu tư, giữa người dân và Ban quản trị vốn chứa đựng bao năm nay của nhiều chung cư tại Việt Nam.
"Tôi cho rằng khi lấy ý kiến người dân phải thông qua Hội nghị nhà chung cư theo quy định Luật nhà ở. Việc lấy ý kiến bằng văn bản sẽ tạo kẽ hở cho chủ đầu tư liên kết với nhiều dân cư hoặc cố ý không minh bạch đưa những người của chủ đầu tư vào Ban quản trị như nhiều chung cư hiện nay gây tranh chấp và bất bình cho nhiều người dân.
Hoặc khi lấy ý kiến bằng văn bản, sẽ không có được sự trao đổi, đồng thuận giữa các cư dân với nhau. Ai sẽ kiểm soát, giám sát nội dung ý kiến của cư dân đưa ra? Không ngoại trừ trường hợp cư dân nêu ý kiến một đằng, chủ đầu tư công khai ý kiến một nẻo", Luật sư Hùng cho biết.
Ở góc độ cư dân, anh Tô Nhật Tân, một cư dân sống tại chung cư Hapulico cho rằng, lấy ý kiến cư dân bằng văn bản sẽ giúp thuận tiện hơn cho việc tổ chức hội nghị chung cư bởi không phải lúc nào mọi người cũng tham gia hội nghị đầy đủ.
Tuy nhiên, nhược điểm của việc lấy ý kiến bằng văn bản là các câu hỏi lấy ý kiến thường mang tính chất định hướng quá cao và khó kiểm soát được tính minh bạch trong vấn đề kiểm phiếu.
"Các vấn đề được nêu ra lấy ý kiến không có sự thảo luận, trao đổi giữa các cư dân với nhau. Cư dân cũng không kiểm tra được quá trình kiểm phiếu và luôn đặt nghi vấn thiếu tính minh bạch trong quá trình này", anh Tân nói.
Vneconomy