MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất loạt giải pháp đột phá phát triển vùng kinh tế trọng điểm

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cùng với việc đưa ra các giải pháp xoá điểm nghẽn cố hữu từ trước đến nay là việc các địa phương thường mạnh ai nấy làm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra loạt đề xuất mang tính đột phá để thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm như lập hội đồng quản lý vùng, lập quỹ riêng của vùng, không phụ thuộc phân bổ ngân sách...

Giải bài toán mạnh ai nấy làm

Tại Hội thảo Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp do Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức ngày 30/3, lãnh đạo nhiều địa phương, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều đề xuất liên quan đến việc giải bài toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tình trạng phát triển không đồng đều giữa các tiểu vùng và giữa các địa phương trong vùng kinh tế đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những năm qua một số địa phương trong Vùng đồng bằng Sông Hồng đã có sự phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước, điển hình là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên….

Bên cạnh những mặt thuận lợi, ông Hải cũng chỉ ra loạt điểm yếu trong liên kết vùng để phát triển. Theo đó, các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở các dự án hạ tầng do ngân sách từ Trung ương đầu tư. Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương còn chưa rõ nét và chưa được triển khai đẩy mạnh và chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng; không gian và địa bàn liên kết còn mang tính tự phát giữa một số địa phương. Đặc biệt các vấn đề, nội dung liên quan đến liên kết ngoại vùng hầu như chưa có.

Đề xuất loạt giải pháp đột phá phát triển vùng kinh tế trọng điểm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội thảo

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Vùng đồng bằng Sông Hồng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Tuy nhiên, Vùng chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để tạo động lực cho phát triển. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, thu ngân sách nhà nước còn dựa nhiều vào khai thác quỹ đất. Cùng đó là tình trạng phát triển không đồng đều giữa các tiểu Vùng và giữa các địa phương trong Vùng; Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT, liên kết vùng yếu do nhận thức về vai trò liên kết vùng chưa đầy đủ, còn tư tưởng cục bộ chưa vì lợi ích chung. Việc điều phối Vùng chưa hiệu quả vì không có thể chế vùng và có ngân sách riêng cấp vùng. Ngoài ra, hiện chưa có chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính lan tỏa của Vùng. Chưa kể tình trạng cố hữu từ trước đến nay các địa phương thường mạnh ai nấy làm nên rất khó phát triển.

Theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, cơ quan này đang làm một chiến lược mới cho phát triển kinh tế vùng. Theo đó, điểm đột phát nhất là đề xuất lập quỹ riêng của vùng, giao cho hội đồng vùng điều hành và không phụ thuộc vào phân bổ ngân sách. Đây sẽ là một bước tiến mạnh mẽ trong bối cảnh bộ đang đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các địa phương để làm quy hoạch vùng. “Năm 2023 sẽ phải kết thúc toàn bộ quy hoạch vùng và địa phương để làm cơ sở thực hiện chiến lược thu hút đầu tư cũng như đầu tư công. Cần đẩy mạnh liên kết vùng, tập trung phát triển vùng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước. Thành lập và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo”, ông Dũng cho hay.

Đề xuất loạt giải pháp đột phá phát triển vùng kinh tế trọng điểm - Ảnh 2.

Đại diện các địa phương, doanh nghiệp cho rằng cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Giải bài toán mạnh ai nấy làm, tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp

Theo PGS TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, sứ mệnh trong phát triển kinh tế vùng hiện nay chính là làm sao cho cả nước cùng xúm vào để vùng đồng bằng sông Hồng thành vùng kinh tế trọng điểm và đạt được mục tiêu đề ra. Có vị trí quan trọng nhưng cả vùng đồng bằng sông Hồng chưa có một điểm mạnh đúng nghĩa. Như với nông sản cũng không hình thành được trung tâm nông nghiệp lớn thì làm sao Vùng đồng bằng sông Hồng trở thành hình mẫu phát triển cho cả nước?

“Quản trị vùng, cơ chế vùng thế nào bao năm qua vẫn mơ hồ. Nếu không có những thay đổi cơ bản mang tính đột biến, tạo chính sách tốt thì sẽ rất khó để phát triển”, ông Thiên nói.

Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Bình Seed - cho hay, muốn phát triển vùng, trước tiên ngay từ địa phương phải tập trung tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, có các chính sách phát triển doanh nghiệp. Cùng đó, tạo hệ thống giao thông kết nối với Thái Bình để tiêu thụ hàng hoá và nông sản. Tăng cường kết nối ngành hàng của các địa phương.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội - cho rằng, để kết nối có hiệu quả, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô của cả nước; tiếp tục chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách, những quy định bất cập trong thực tiễn triển khai thu hút đầu tư.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên