Đề xuất luật hóa hành vi thao túng thị trường chứng khoán
Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Chứng khoán 2019. Trong đó, hành vi thao túng thị trường chứng khoán sẽ được luật hóa.
- 25-08-2024Đồ thị giá "lạ" của cổ phiếu một doanh nghiệp có vốn Nhà nước vừa tăng sốc hơn 3.200% sau ba tháng
- 25-08-2024Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Một cổ phiếu thép "bốc hơi" gần 50% giá trị sau một tuần
- 25-08-2024Lịch chốt quyền cổ tức tuần 26/8– 30/8: Cổ tức tiền mặt cao nhất 88%, hai ngân hàng "lăn chốt"
Thông qua công tác giám sát, kiểm tra giao dịch thời gian qua, Bộ Tài chính nhận định cần thiết luật hóa quy định về hành vi thao túng tại Nghị định 156 để đảm bảo phù hợp với thực tế diễn ra trên thị trường.
Các hành vi cụ thể được xác định như: Mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự…
Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, hiện chưa có quy định nghiêm cấm người nội bộ của công ty đại chúng , công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Điều này gây khó khăn trong xử lý, phòng ngừa vi phạm trên thị trường. Bộ này đề nghị nghiêm cấm hành vi trên trong hoạt động chứng khoán
Dự thảo của Bộ Tài chính còn đề xuất một số nội dung đáng chú ý về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; chào bán chứng khoán…
Với quy định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, dự thảo đề xuất bổ sung quy định, nhà đầu tư phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 2 năm; có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất; thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất.
Trước đó, Luật Chứng khoán năm 2019 và Nghị định 65 đã nâng chuẩn điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp. Dù vậy, nhà đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn, cũng không có nghĩa đủ khả năng đánh giá rủi ro của trái phiếu (quy định chỉ xét trên vốn, cá nhân phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày, không bao gồm tiền vay).
Theo Bộ Tài chính, về nguyên tắc, thị trường trái phiếu riêng lẻ là thị trường đặc biệt, có mức độ rủi ro cao. Đối tượng tham gia cần được hạn chế, với số lượng nhỏ những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm chuyên môn, có khả năng nhận biết và chấp nhận rủi ro.
Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ ở nước ta đang hoạt động chưa phù hợp với bản chất, Thực tế cho thấy, nhiều đợt chào bán được phân phối cho hàng nghìn nhà đầu tư cá nhân, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ (trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu trái phiếu thông qua các hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng mua bán lại…).
Những người này thường có giá trị đầu tư thấp, không thực sự có kinh nghiệm, chuyên môn và khả năng nhận biết rủi ro.
Dự thảo lần này còn có một số điểm mới liên quan đến nâng hạng thị trường chứng khoán . Trong đó, thành viên bù trừ bao gồm công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch trên thị trường cơ sở và phái sinh.
“Cần thiết nghiên cứu, bổ sung quy định để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thành lập công ty con của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) để triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP), đảm bảo hoạt động này hiệu quả, an toàn và đúng thông lệ quốc tế”, Bộ Tài chính đề nghị.
Đây được coi là những bước đi quan trọng để giải quyết vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding), một trong những “nút thắt” hiện nay của tiến trình nâng hạng.
Tiền Phong