Đề xuất phương án thay thế nhận 2,5 triệu m3 bùn xuống biển
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang dừng kế hoạch nhận chìm 2,5 triệu m3 chất thải nạo vét xuống vùng biển Hòn La (Quảng Bình) để tìm biện pháp khác phù hợp hơn.
Ngày 20-8, nguồn tin báo Pháp Luật TP.HCM cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang dừng lại kế hoạch nhận chìm 2,5 triệu m3 chất thải nạo vét từ cảng nhập than của Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch xuống biển Hòn La để tìm biện pháp khác phù hợp hơn.
Khu vực đảo Hòn La. Ảnh: N.DO
"Ở Quảng Trạch có một khu đất đang quy hoạch treo nên tỉnh Quảng Bình đề xuất EVN lấy phần vật chất dự định nhận chìm ấy đấy đưa đến khu đất này để san lấp. Nhưng câu chuyện đó mới là đề xuất, thực tế còn phải qua các thủ tục như đánh giá tác động môi trường của việc này", đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay.
Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch gồm hai nhà máy, Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 được khởi công xây dựng tháng 7-2011, công suất 1.200 MW, tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD. Dự án lúc đầu là của Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí nhưng sau đó chuyển giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo kế hoạch, Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 sẽ vận hành tổ máy 1 từ năm 2021 và tổ máy 2 năm 2022.
Như đã thông tin, trước đó theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được Bộ TN&MT phê duyệt, Trung tâm điện lực Quảng Trạch (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) sẽ nhận chìm 2,5 triệu m3 vật chất xuống khu vực cách đảo Hòn La 3,5 hải lý về phía Tây khi thi công làm cảng than. Thông tin trên gây sự chú ý đặc biệt trong dư luận vì người dân lo ngại việc nhận chìm sẽ làm chết vùng biển này.
Từ phản ánh của báo chí, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết đã có ý kiến trực tiếp với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ban quản lý dự án vì cho rằng việc nhận chìm 2,5 triệu m3 đất cát từ việc nạo vét cảng nhập than cho nhà máy ra biển Hòn La là hoàn toàn không hợp lý. Phải chọn phương án tối ưu nhằm bảo vệ môi trường biển.
Pháp luật TPHCM