MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất quản chặt nhà đầu tư ngoại trong thị trường thương mại điện tử 12 tỷ USD

Bộ Công Thương đề xuất bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài...

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài.

Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, Nghị định 52 không có quy định về việc quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử mở rộng thị trường, tiếp cận các mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới và được người tiêu dùng đặt mua.

Người bán nước ngoài đem lại sự phong phú về nguồn cung hàng hóa, tuy nhiên, các hoạt động này cũng làm phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn của thị trường, đặc biệt trường hợp trong quá trình giao dịch phát sinh tranh chấp hoặc khiếu nại của người tiêu dùng, quyền, lợi ích của người tiêu dùng sẽ gặp thách thức lớn, khác biệt cơ bản so với trường hợp phát sinh với chủ thể có hiện diện tại Việt Nam.

Bộ Công Thương cho rằng việc xem xét, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài là có cơ sở pháp lý và thực tiễn.

Theo đó, dự thảo Nghị định bổ sung quy định đối với thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam.

Cụ thể, làm rõ trách nhiệm của chủ sàn giao dịch thương mại khi có người bán nước ngoài, theo đó chủ sàn sao dịch thương mại điện tử Việt Nam là người chịu trách nhiệm xác thực danh tính của người bán nước ngoài khi cho phép các đối tượng này tham gia mua bán hàng hoá trên sàn; quy định này cũng phù hợp với các quy định về việc xác nhận danh tính của người bán nội địa trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

"Nhà đầu tư nước ngoài chi phối từ 1 doanh nghiệp trở lên thuộc nhóm 5 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường dịch vụ thương mại điện tử  theo danh sách do Bộ Công Thương công bố phải có ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại điểm này không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan", Bộ Công Thương đề xuất.

Bộ này cho rằng việc quy định một số điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cấp bách và cần thiết. Đây là quy định thiết thực thể chế hóa, tổ chức thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Dự báo thương mại điện tử cả năm 2020, Bộ Công Thương cho biết với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát như hiện nay, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử về doanh thu trong quý 4 là 20%, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ ước đạt 12 tỷ USD.

Còn trong trường hợp xấu nhất, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trong quý 4/2020, sản xuất tiêu dùng trong nước bị tác động, nguồn hàng, các hoạt động dịch vụ bị ảnh hưởng lớn như vận tải hàng không, dịch vụ lưu trú, ăn uống... sức tiêu dùng của người dân chậm thì khả năng quy mô thị trường thương mại điện tử bị tác động lớn, ước đạt 11 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ chỉ đạt 13%.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng trưởng nhanh chóng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên 10,08 tỷ USD năm 2020, đóng góp 4,9% doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Hoạt động thương mại điện tử ngày càng đa dạng, không chỉ trên máy tính, mà còn trên các thiết bị hiện đại khác như điện thoại thông minh, máy tính bảng; không chỉ diễn ra trên các website mà còn qua các ứng dụng trên nền tảng di động.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên khắp thế giới và có tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội cũng như cuộc sống của người dân, thương mại điện tử đang thể hiện vai trò ưu việt trong việc duy trì vận hành chuỗi sản xuất, kinh doanh, phân phối bán lẻ đến tay người tiêu dùng.

Theo Bạch Huệ

Theo VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên