MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất quy định mới về bổ nhiệm, luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý

22-07-2024 - 07:45 AM | Xã hội

Quy trình bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ được tiến hành theo 5 bước và các hội nghị chỉ được tiến hành khi “có ít nhất 2/3” số người được triệu tập có mặt.

Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06 của Chính phủ về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm , dự thảo quy định, người trong diện được bổ nhiệm phải có đủ văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu, được quy hoạch vào chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm hoặc tương đương trở lên; có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất 2 năm (24 tháng), nếu không liên tục thì được cộng dồn.

Đề xuất quy định mới về bổ nhiệm, luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: QH)

Về tuổi bổ nhiệm, công chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu phải đủ tuổi công tác trọn thời hạn bổ nhiệm. Với công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm.

Ngoài ra, người trong diện bổ nhiệm không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ, không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử , không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.

Về trình tự, sau khi đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm xin chủ trương bằng văn bản, trong thời hạn 10 ngày, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phải xem xét, quyết định. Trong thời hạn 30 ngày làm việc phải hoàn thành việc thực hiện quy trình nhân sự theo quy định (quy định hiện hành là 15 ngày).

Đối với quy trình bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ , dự thảo cũng đưa ra quy trình 5 bước và các hội nghị chỉ được tiến hành khi “có ít nhất 2/3” số người được triệu tập có mặt. Tỷ lệ phiếu được tính trên tổng số người triệu tập.

Trong đó, bước 1 sẽ là hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 1), được tổ chức để xem xét danh sách quy hoạch, rà soát kết quả đánh giá, nhận xét đối với từng nhân sự và thông qua danh sách đủ điều kiện.

Sang bước 2 là tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng, giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Người đạt số phiếu cao nhất trong số người đạt tỷ lệ trên 50% thì được lựa chọn.

Trường hợp không có người nào đạt trên 50% thì chọn tất cả người có số phiếu giới thiệu đạt từ 30% trở lên để giới thiệu ở bước tiếp theo.

Trong trường hợp không có người đạt đủ 30% số phiếu giới thiệu thì không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.

Bước 3, trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, tập thể lãnh đạo tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

Bước 4 sẽ là hội nghị cán bộ chủ chốt , được tổ chức để lấy ý kiến cán bộ chủ chốt theo danh sách nhân sự được giới thiệu ở bước 3.

Bước 5, hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 3) được triển khai để thảo luận và biểu quyết nhân sự.

Nguyên tắc lựa chọn là người đạt số phiếu cao nhất trong số người đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số người được triệu tập giới thiệu thì được lựa chọn đề nghị bổ nhiệm.

Trường hợp 2 người có số phiếu ngang nhau đều đạt tỷ lệ 50% thì người đứng đầu xem xét, lựa chọn nhân sự để đề nghị bổ nhiệm; đồng thời báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với quy trình bổ nhiệm nhân sự từ nơi khác sẽ được tiến hành theo 3 bước: Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo; gặp nhân sự được dự kiến bổ nhiệm để trao đổi; thẩm định về nhân sự và lập tờ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trường hợp nhân sự bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện nhưng cơ quan, đơn vị, hoặc nhân sự được dự kiến bổ nhiệm “còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất” thì phải báo cáo đầy đủ các ý kiến và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.


Liên quan đến luân chuyển cán bộ , dự thảo quy định, cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan nơi đến tiến hành nhận xét, đánh giá định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Khi hết thời gian luân chuyển, công chức luân chuyển tự kiểm điểm về quá trình công tác trong thời gian luân chuyển. Sau đó, tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan nơi đến nhận xét, đánh giá trước khi cấp có thẩm quyền nhận xét, đánh giá.

Dự thảo nghị định nêu rõ, việc xem xét bố trí, phân công công chức sau luân chuyển phải căn cứ yêu cầu công tác cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế, kết quả công tác, năng lực, sở trường của công chức luân chuyển.


Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên