Đề xuất quyền chọn chế độ cảnh vệ cho nguyên lãnh đạo cấp cao
“Mỗi biện pháp cảnh vệ đều hạn chế quyền tự do của con người, quyền tự do của công dân. Khi các vị lãnh đạo cao cấp đã không còn giữ trọng trách, trở lại cuộc sống của người công dân, chúng ta hãy để cho các vị đó có quyền lựa chọn là phù hợp nhất”.
Đề nghị này được đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đưa ra tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Cảnh vệ, chiều 21/11.
Đối với nguyên Tổng bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội và nguyên Thủ tướng Chính phủ, dự thảo luật quy định 3 biện pháp cảnh vệ cứng bao gồm bảo vệ tiếp cận, bố trí lực lượng cảnh vệ, vũ trang canh gác thường xuyên tại nơi ở, tăng cường lực lượng và phương tiện bảo vệ khi cần thiết.
Quy định cứng như vậy, theo đại biểu Hùng, nghĩa là phải áp dụng bắt buộc ngay cả khi các vị nói trên không muốn. Do vậy, ông đề nghị bổ sung trường hợp các vị nói trên không có yêu cầu thì thực hiện theo nguyện vọng cá nhân.
Giải trình chung về các biện pháp, chế độ cảnh vệ để đảm bảo quyền cá nhân của đối tượng cảnh vệ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói, nội dung các biện pháp cảnh vệ mang tính nghiệp vụ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Do đó, nên để Bộ trưởng Bộ Công an quy định thì sẽ phù hợp hơn. Vì vậy, ban soạn thảo đề nghị giữ nguyên như quy định của dự thảo luật.
Tại phiên thảo luận, quyền nổ súng của lực lượng cảnh vệ cũng được đại biểu quan tâm.
Theo đại biểu Dương Đình Thông (Bắc Giang) hành vi nổ súng cần được quy định rõ hơn để bảo đảm quyền thực thi nhiệm vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ, vừa không vi phạm quyền con người, quyền công dân.
Đại biểu băn khoăn vì trong dự thảo luật có quy định về quyền được nổ súng, đồng thời viện dẫn sang Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Tuy nhiên, so với quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì chưa thấy rõ yếu tố đặc thù của quyền nổ súng trong hoạt động cảnh vệ.
Dự thảo luật chưa có những quy định cụ thể về vành đai an toàn trong khu vực mục tiêu cảnh vệ cũng như phân biệt giữa đối tượng là con người và khu vực sự kiện nên dẫn đến quy định chưa thật đầy đủ và chặt chẽ, đại biểu nhận xét.
Đại biểu Thông đề nghị dự thảo cần quy định phân biệt theo hướng đối tượng cảnh vệ, nổ súng để bảo vệ yếu nhân, nổ súng để bảo vệ sự kiện khu vực cảnh vệ, nổ súng khi thực hiện công vụ có tổ chức và thực hiện độc lập. Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể trường hợp hình thức tấn công trực tiếp nào để sử dụng đến vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Đồng tình với đại biểu Thông, đại biểu Nguyễn Đình Tiến (Quảng Nam) cho rằng quyền nổ súng phải quy định một cách cụ thể, rõ ràng, chi tiết hơn để lực lượng cảnh vệ hoạt động có hành lang pháp lý đúng.
Đại biểu Nguyễn Trọng Bình (Hải Phòng) lập luận, bản chất của việc nổ súng là để ngăn chặn ngay lập tức sự tấn công của đối tượng và vô hiệu quả khả năng tấn công tiếp theo, không phải tiêu diệt đối tượng.Tuy nhiên, việc nổ súng ở cự ly gần, tình huống diễn biến rất nhanh và lực lượng cảnh vệ không có nhiều sự lựa chọn cho nên nhiều khi việc nổ súng tự vệ có thể dẫn đến tử vong cho đối tượng. Đây là trường hợp thực tiễn nhưng trong các luật hiện hành đã có khoản miễn trừ trách nhiệm.
Vì vậy, việc quy định cho lực lượng cảnh vệ có quyền nổ súng tiêu diệt đối tượng là không cần thiết và không phù hợp với tinh thần đổi mới tích cực liên quan đến quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, đại biểu phân tích.
Bộ truởng Tô Lâm cho biết, dự kiến sẽ chỉnh lý quy định của dự thảo luật về trường hợp nổ súng, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng cảnh vệ cụ thể, đảm bảo quyền công dân và tạo điều kiện để lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ.
VnEconomy