Đề xuất sớm có Pháp lệnh về Sỹ quan biệt phái
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh QH
Các ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh mong muốn sớm có Pháp lệnh về Sỹ quan biệt phái để tạo điều kiện pháp lý, chế độ để các sỹ quan biệt phái hoàn thiện tốt nhiệm vụ.
Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội vừa có buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Theo Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, nhiệm kỳ khóa XV, sau kiện toàn, Uỷ ban có 41 thành viên được bầu và phê chuẩn, gồm: Chủ nhiệm 4 Phó Chủ nhiệm, 4 Ủy viên Thường trực; 1 Ủy viên chuyên trách và 31 Ủy viên Ủy ban.
Trong nhiệm kỳ này, Ủy ban dự kiến thành lập 4 Tiểu ban, gồm: Tiểu ban Quốc phòng; Tiểu ban An ninh và Đối ngoại; Tiểu ban Trật tự, an toàn xã hội và Tiểu ban Biên giới, biển đảo. Hiện Ủy ban đang chờ Quy chế mẫu hoạt động của các Ủy ban để xây dựng Quy chế làm việc; rà soát Quy chế đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Văn phòng Chủ tịch nước.
Về hoạt động khảo sát, giám sát, do đại dịch, hoạt động giám sát chuyên đề sẽ bị ảnh hưởng, nên trước mắt, Ủy ban tập trung thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách quốc phòng, an ninh; tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021; phương hướng nhiệm vụ và ngân sách quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2022…
Các thành viên Thường trực Ủy ban cũng mong muốn sớm có Pháp lệnh về Sỹ quan biệt phái để tạo điều kiện pháp lý, chế độ để các sỹ quan biệt phái hoàn thiện tốt nhiệm vụ.
Ủy ban cũng nghiên cứu, lựa chọn nội dung và thời gian phù hợp để khảo sát, giám sát chuyên đề về thực trạng trang bị và sử dụng trang phục của các lực lượng có tính chất giống trang phục của lực lượng vũ trang để kiến nghị, đề xuất ban hành Quy định chung về trang phục, sắc phục.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, đồng thời khẳng định sẽ nghiên cứu, để tìm cách tháo gỡ những bất cập trong thời gian tới trên tinh thần cùng nhau đồng hành.
Theo Phó Chủ tịch QH, Thường trực Ủy ban có tới 50% thành viên mới, trong điều kiện yêu cầu thời gian tới của Quốc hội là rất cao để triển khai Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, đòi hỏi hoạt động của Thường trực Ủy ban cần nhanh, chuẩn xác. Đây là áp lực lớn nhưng cũng là điều kiện để các thành viên có môi trường công tác tốt hơn để rèn luyện cả về trí tuệ, bản lĩnh cũng như sự mẫn cảm về chính trị.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cũng lưu ý, đối với những nội dung dự án Luật do Ủy ban chủ trì, cần phối hợp với các Bộ ngành thuộc lĩnh vực của mình để dự báo Kế hoạch 5 năm, mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới đề cập đến dự kiến cho 3 năm.
Về xây dựng Văn bản quy định chính sách đối với sỹ quan biệt phái; Quy định chung về trang phục, sắc phục của các lực lượng có tính chất giống trang phục của lực lượng vũ trang, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban cần nghiên cứu để có đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo, thể thức văn bản trên cơ sở tiến hành các cuộc khảo sát, giám sát về vấn đề này.
Nhân sự chủ chốt Uỷ ban Quốc phòng và An ninh:
Chủ nhiệm Uỷ ban: Thiếu tướng Lê Tấn Tới
4 Phó Chủ nhiệm Ủy ban:
1. Ông Nguyễn Hải Hưng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.
2. Ông Trần Ngọc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.
3. Ông Nguyễn Minh Đức, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Ông Đỗ Quang Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng.
Các Ủy viên Thường trực:
1. Bà Nguyễn Thị Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk.
2. Ông Vũ Xuân Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
3. Ông Vũ Huy Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.
4. Ông Trần Đức Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.
Ủy viên chuyên trách:
1. Ông Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.
Tiền Phong