Đề xuất tăng 10% giá bốc dỡ container: Cảng biển nào sẽ hưởng lợi?
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng 10% giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển tại nhóm cảng biển số 1, 4, 5.
- 12-06-2023Tập đoàn quy mô vài trăm nghìn tỷ của đại gia kín tiếng Ninh Bình: Đầu tư đa ngành loạt dự án khủng từ điện, thép đến cảng biển, lọc dầu, chăn nuôi lợn
- 27-05-2023DN đầu tiên ký kết với Tập đoàn Adani của Ấn Độ sau cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam: Doanh thu hơn 15.000 tỷ, đầu tư loạt dự án cảng biển và bến container hàng chục nghìn tỷ
- 15-05-2023Doanh nghiệp quân đội rót 12.000 tỷ làm cảng biển Hải Phòng: quy mô chỉ sau Viettel, lợi nhuận hơn 4.000 tỷ, đứng trong Top20 cụm cảng container lớn nhất thế giới
- 01-04-2023Loạt "ông lớn" Vingroup, Sun Group, Trung Nam, FPT, Viglacera... "ồ ạt" đổ về Khánh Hoà làm KCN, cảng biển
Lợi thế cảng nước sâu
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 54/2018 ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.
Trong đó, đáng chú ý, Dự thảo Thông tư đề xuất tăng 10% giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển tại nhóm cảng biển số 1 (khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định), nhóm cảng biển số 4 (khu vực TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An) và nhóm cảng biển số 5 (khu vực Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang).
Như vậy, với các cảng nước sâu như Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ là những cảng được hưởng lợi nhiều nhất khi quy định trên được thực thi. Lý do là tại hai cảng nước sâu này có sự xuất hiện của nhiều tàu trọng tải quốc tế, hàng hóa dồi dào, khối lượng rất lớn.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải là hai cảng loại đặc biệt của Việt Nam. Với xu thế tàu container ngày càng lớn, cảng biển đón được tàu container trọng tải lớn thành lợi thế cạnh tranh có yếu tố sống còn trong khai thác cảng. Hiện nay, Việt Nam có tên trong danh sách các quốc gia có cảng container nước sâu lớn nhất thế giới.
“Nếu tăng 10% giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển thì sẽ góp phần giúp hai cảng trên tăng doanh thu, giúp doanh nghiệp quản lý cảng biển tốt hơn” - đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.
Cũng theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay, mức giá bốc dỡ container khu vực cảng nước sâu của Việt Nam tương đương 59% mức giá trung bình của khu vực ASEAN và các nước lân cận, thậm chí chỉ bằng 85% mức giá bốc dỡ của cảng Phnompenh, Campuchia (cảng sông với mức đầu tư thấp hơn nhiều). Trong khi, chất lượng dịch vụ cảng nước sâu của Việt Nam tương đương các nước trong khu vực. Cảng đón được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới đi thẳng thị trường châu Âu, châu Mỹ, tiết kiệm chi phí và thời gian cho chủ tàu, chủ hàng.
Theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, với vai trò cảng đặc biệt của quốc gia, cảng Lạch Huyện và Cái mép - Thị Vải cần được đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ để đón được tàu có trọng tải ngày càng lớn ra vào hoạt động. Do đó, điều chỉnh tăng giá dịch vụ bốc dỡ container nhóm cảng biển nước sâu là phù hợp và cần thiết để bảo đảm nguồn vốn tái đầu tư cho cảng, duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tăng giá là cần thiết?
Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng nếu tăng 10% thì sau khi điều chỉnh, giá dịch vụ tại hai khu vực trên vẫn thấp hơn 30 - 35% so với mức giá trung bình của khu vực, không làm mất đi sự cạnh tranh của cảng Việt Nam so với thế giới. Nếu mức tăng lớn hơn từ 20 - 30% mới làm biến động mức giá lớn, ảnh hưởng tới chi phí của chủ tàu và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.
Một chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải cho rằng, việc điều chỉnh giá như đề xuất của Bộ GTVT là quan trọng, cấp thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của đất nước, doanh nghiệp và nâng tầm cho các cảng cửa ngõ, tăng nguồn thu cho cảng mà không làm ảnh hưởng đến chi phí logistics quốc gia và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước.
Theo ông Phạm Quốc Long - Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam (Visaba), hiện nay giá bốc xếp container của Việt Nam thấp hơn thế giới và khu vực, trong khi trang thiết bị, chất lượng dịch vụ ngang tầm thế giới. Các cảng cũng không có điều kiện để tái đầu tư do chi phí đầu tư cảng nước sâu rất lớn. Bởi vậy, việc tăng giá dịch vụ là cần thiết.
Tuy nhiên, vị này cho rằng tăng cần có lộ trình. Nên ưu tiên điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ khu vực cảng lớn, cảng nước sâu. Ban đầu có thể điều chỉnh tăng 10%, sau đó có thể có lộ trình điều chỉnh khung giá thêm cho phù hợp.
Pháp luật Việt Nam