Đề xuất tăng giá điện: Cần hài hòa lợi ích
Trong bối cảnh, hàng hóa đầu vào sản xuất, chi phí tăng trong khi giá điện được giữ nguyên từ năm 2019 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng năm 2022. Trước thực tế này, EVN đã đề xuất tăng giá bán điện. Tiền Phong có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) quanh đề xuất tăng giá điện của EVN.
- 04-12-2022Tăng giá điện – Tránh để tác động ngược lại với nền kinh tế
- 03-12-2022Tăng giá điện lúc nào hợp lý?
- 23-11-2022Giá điện gió thấp kỉ lục - Anh muốn chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam
Phải chi tiết, minh bạch về khoản lỗ của EVN
Ông đánh giá như thế nào về đề xuất tăng giá bán điện của EVN?
Việc tăng giá điện luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Giá bán điện ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Với một số ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chi phí năng lượng như điện chiếm tới gần 60% giá thành sản phẩm.
Trong bối cảnh Nhà nước đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, việc tăng giá điện càng phải cẩn trọng. Tăng giá điện là nhu cầu tương đối cấp bách của EVN. Tuy nhiên, mức tăng giá như thế nào và tăng khi nào là bài toán của cơ quan chức năng để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Lạm phát có xu hướng tăng cao, nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do chi phí tăng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng. Chi phí sản xuất tăng nhưng đơn hàng của doanh nghiệp bị cắt giảm. Nếu giá điện tăng sẽ khiến doanh nghiệp thêm gánh nặng, khó phục hồi sau COVID-19.
Tăng giá điện ở mức cao sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân khi họ vừa vượt qua khó khăn do COVID-19. Ảnh: Như Ý
Tăng giá điện trong bối cảnh này là bài toán khó giải. Nếu tăng giá chỉ nên ở mức độ thấp nhất có thể. Đặc biệt, phải giãn thời gian tăng giá, có thể từ giữa năm sau, khi hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu giảm bớt khó khăn, ổn định hơn. Bài toán về giá phải luôn được cân nhắc, tính toán thật kỹ lưỡng. Bởi tăng giá điện lúc này khá nhạy cảm, nếu không điều chỉnh sẽ khó cho DN ngành điện, thậm chí ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư và ảnh hưởng việc đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai. Giải pháp tăng giá điện phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.
Ước tính cả năm 2022, EVN có thể lỗ hơn 31.000 tỷ đồng. Theo EVN, một số nguyên nhân dẫn đến thua lỗ là tỉ giá tăng, giá nguyên liệu đầu vào (xăng dầu, than…) tăng mạnh. Ông đánh giá như thế nào về số lỗ này?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Trong báo cáo lỗ của EVN chỉ thấy dự báo con số cuối cùng, không thấy rõ cơ cấu các khoản mục đẩy mức lỗ lên hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đề xuất xem xét điều chỉnh giá điện, EVN cần cho chi tiết cụ thể số liệu về đầu vào gây lỗ. Rất nhiều câu hỏi, thắc mắc của người dân cần được làm rõ. Ví dụ, lỗ tỉ giá chiếm bao nhiêu phần trăm tổng số lỗ, lỗ vì giá dầu tăng chiếm bao nhiêu. Giá than phối trộn để sử dụng cho các nhà máy điện có nhiều loại, lấy từ nhiều nguồn như: khai thác trong nước, nhập khẩu. Cần phải bóc tách chi phí rõ ràng. Ngoài ra, cần có thông tin như giá so sánh than đầu vào sản xuất của EVN với giá đối tác khác nhập về cho tổ máy phát điện của doanh nghiệp khu đại công nghiệp (Formosa) có được đưa ra đối chiếu, so sánh không.
* Nếu tăng giá chỉ nên ở mức độ thấp nhất có thể. Đặc biệt, phải giãn thời gian tăng giá, có thể từ giữa năm sau, khi hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu giảm bớt khó khăn, ổn định hơn.
* Theo quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, mức tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 3 đến 5% do EVN tự quyết; từ 5 đến 10%, EVN xin ý kiến Bộ Công Thương và tăng trên 10% so Thủ tướng quyết định.
Ngoài ra, hiện nay EVN vừa là tập đoàn truyền tải điện, vừa là nhà sản xuất điện. EVN có mua, truyền tải điện từ các nhà máy thủy điện, điện tái tạo và cần làm rõ giá đầu vào tổng thể các loại điện nói chung. Từ đó, có căn cứ xác định tăng giá điện.
Trong lịch sử, một số ngành độc quyền như ngành điện từng xảy ra câu chuyện lỗ do đầu tư ngoài ngành. Điều này khiến việc đề xuất tăng giá điện khó thuyết phục được người dân, doanh nghiệp. Khi EVN công khai, minh bạch chi phí sản xuất sẽ tạo sự yên tâm cho người dân và người dân, doanh nghiệp đồng thuận bởi tăng giá hợp lý.
Sớm bỏ thế độc quyền
Trước mỗi lần đề xuất tăng giá điện, dư luận, người dân, doanh nghiệp đều lo lắng vì cuộc sống hàng ngày và quá trình sản xuất kinh doanh của họ bị ảnh hưởng trực tiếp. Liệu có giải pháp nào để giá điện có tăng vẫn vừa đảm bảo cho sản xuất của doanh nghiệp ngành điện, vừa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp?
Vấn đề lớn nhất hiện nay của ngành điện là độc quyền, thiếu sự cạnh tranh. Chúng ta đã có kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp ngành điện nhưng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Giải pháp tốt nhất để đảm bảo hài hoà giá điện là sớm có thị trường điện cạnh tranh.
Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn nắm giữ thế độc quyền ở khâu bán lẻ điện. Như thế đồng nghĩa với việc, người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn, được quyền quyết định mua điện từ nhà cung cấp nào, giá thành ra sao. Khi ấy, các nhà bán lẻ điện cũng sẽ phải tự cân đối, cạnh tranh về giá, chất lượng phục vụ có lợi nhất để thu hút khách hàng.
Theo ý kiến chuyên gia trong điều kiện hiện nay, chỉ nên tăng giá điện ở mức độ thấp nhất có thể. Ảnh: L.Hiếu
Từ lâu, chúng ta đã nói nhiều về câu chuyện thiếu công khai, minh bạch, không rõ ràng. Giá điện vẫn do nhà nước quản lý, nếu theo thị trường có cạnh tranh, bình đẳng thì việc điều chỉnh giá là bình thường.
Những năm gần đây, tiết kiệm năng lượng được đặt ra cấp thiết. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sử dụng công nghệ lạc hậu đang hưởng lợi từ giá năng lượng thấp của Việt Nam. Làm thế nào để tiết kiệm năng lượng được coi trọng, thưa ông?
Nhu cầu năng lượng điện của Việt Nam ngày càng tăng. Theo tính toán của EVN trong những năm tới, Việt Nam cần 12-15 tỷ USD đầu tư vào nguồn phát điện và hệ thống truyền tải điện để đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, những năm qua, lượng vốn FDI không ngừng tăng. Số lượng doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam rất lớn và đang được hưởng lợi từ giá điện rẻ so với nhiều quốc gia trong khu vực. Doanh nghiệp sử dụng công nghệ, máy móc thiết bị lạc hậu tiêu hao năng lượng lớn được hưởng lợi nhiều.
Trước thực tế trên, muốn tiết kiệm năng lượng, cần chú trọng kiểm soát đầu vào chất lượng công nghệ, máy móc sản xuất. Cơ quan chức năng cần kiên quyết loại bỏ dự án công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng. Đồng thời, chọn lựa thiết bị đời mới, công nghệ mới thường tiết kiệm năng lượng và được dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Việc thẩm định này cần thực hiện ngay khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án...
Tiền phong