Đề xuất tăng mức trợ cấp thất nghiệp
Các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế và Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam có thể tăng tiền trợ cấp thất nghiệp, do mức trợ cấp hiện hành thấp khó đảm bảo thu nhập cho người lao động mất việc. Cùng đó là tăng thời gian chờ, giảm tỷ lệ hưởng. Những giải pháp này có thể góp phần giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Trong một báo cáo chung về bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần ở Việt Nam hiện nay, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) cùng nhận định, người lao động Việt Nam rút BHXH một lần là để đảm bảo an ninh thu nhập khi mất việc. Khoản tiền từ nhận BHXH một lần được xem để thay thế các tính năng mà hệ thống BHXH không có hoặc không đủ mạnh.
Do phần lớn người lao động nhận BHXH một lần ở Việt Nam để đối phó với tình trạng thiếu hụt thu nhập ngắn hạn do mất việc, nên số lượng người nhận chế độ này hàng năm đều cao. Vì vậy, để giải kéo giảm tình trạng nhận BHXH một lần, Việt Nam cần xây dựng hệ thống BHXH hấp dẫn hơn bằng ưu tiên tăng các chế độ trợ cấp ngắn hạn.
ILO và WB khuyến nghị Việt Nam bổ sung vào chế độ BHXH trợ cấp nuôi con nhỏ và tăng trợ cấp thất nghiệp.
Với người lao động thất nghiệp, an ninh thu nhập là thách thức lớn nhất, nếu có các khoản trợ cấp thất nghiệp phù hợp sẽ giúp người lao động vượt qua thách thức này. Khi không có hoặc trợ cấp thất nghiệp không đủ trang trải cuộc sống, người lao động buộc phải tìm các nguồn thay thế, trong đó có lựa chọn rút BHXH một lần.
"Chính sách bảo hiểm thất nghiệp với việc cho phép người lao động tiếp cận tốt hơn với đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và tín dụng có thể giúp họ sớm tìm việc làm mới, giảm nhu cầu rút BHXH một lần", báo cáo cho hay.
Về mức trợ cấp thất nghiệp, ILO và WB cho rằng, ở Việt Nam, dù tỷ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính ở mức cao, mỗi tháng trợ cấp thất nghiệp tính bằng 60% tiền lương tháng tính đóng BHXH. Tuy nhiên, do mức lương tính đóng BHXH hằng tháng thấp hơn thu nhập thực tế của người lao động, nên thực tế tiền trợ cấp thất nghiệp thấp hơn chi phí sinh hoạt của người lao động.
Theo báo cáo, Việt Nam có thể nghiên cứu các quy định giảm dần khả năng tiếp cận BHXH một lần của người lao động một cách từ từ để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực có thể xảy ra, như: Việc phản đối tiêu cực chính sách; tăng rút BHXH một lần để “chạy chính sách”…
Chuyên gia an sinh của ILO và WB đề xuất, Việt Nam có thể tăng dần thời gian chờ sau khi mất mất việc, dừng đóng để được nhận BHXH một lần, thay vì 12 tháng chờ, có thể tăng mỗi năm thêm 1 tháng; tỷ lệ hưởng BHXH một lần theo hướng giảm dần, như mỗi năm giảm 10% số tiền nhận BHXH một lần, số còn lại bảo lưu tới hết tuổi lao động.
“Việc giảm số lượng người lao động nhận BHXH một lần ở Việt Nam đòi hỏi phải có một gói chính sách toàn diện. Gói chính sách này phải là sự kết hợp các biện pháp nhằm mục đích tăng hỗ trợ mà người lao động nhận được từ BHXH thông qua các chế độ trợ cấp khác, đồng thời giảm dần khả năng tiếp cận các khoản đóng BHXH của họ trước khi nghỉ hưu. Các chi tiết của một gói như vậy phải được thảo luận kỹ lưỡng với người lao động cũng như người sử dụng lao động, để đảm bảo các chính sách đó nhận được sự ủng hộ của họ và sự chấp nhận của xã hội nói chung”, chuyên gia ILO và WB khuyến nghị.
Các khuyến nghị của ILO và WB đưa ra trong bối cảnh Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang chủ trì sửa đổi Luật BHXH năm 2014, trọng tâm chính của sửa đổi lần này nhằm hạn chế tình trạng nhận BHXH một lần; mở rộng diện tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội...
Tiền phong