MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất tăng thuế thu nhập cá nhân của người giàu để chia sẻ với người nghèo

11-12-2021 - 08:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Để giảm áp lực lên tài khóa, cần thay đổi một số chính sách thuế trong thời gian 2 năm, trong đó, nghiên cứu khả năng tăng đánh thuế thu nhập cá nhân của người giàu để chia sẻ với người nghèo trong thời kỳ khó khăn.

Tăng thuế của người giàu để chia sẻ với người nghèo

Trong tham luận với chủ đề “Kiến tạo động lực cho phục hồi và phát triển” gửi tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam mới đây, các thành viên thuộc Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, gói kích thích kinh tế của Việt Nam nếu thực hiện khoảng 3% GDP thì có thể đảm bảo trong trung hạn các chỉ tiêu ổn định kinh tế vĩ mô có thể quay lại mức bình thường.

Về các chính sách hỗ trợ từ ngân sách, theo nhóm nghiên cứu cần tận dụng thời cơ lãi suất thấp, thanh khoản thị trường dồi dào để bổ sung nguồn vốn đầu tư công, thay thế nguồn vốn vay nước ngoài có lãi suất cao và cơ cấu lại danh mục trái phiếu chính phủ theo hướng ưu tiên phát hành kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên.

Nghiên cứu, kiến nghị Quốc hội cho phép Bộ Tài chính quản lý việc phát hành trái phiếu chính phủ theo kỳ hạn phát hành bình quân và được chủ động kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ trong năm ngân sách để huy động vốn thay vì quy định cứng khối lượng trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên.

Nhóm nghiên cứu khẳng định, chính sách tài khóa là nền tảng để cứu các doanh nghiệp yếu kém, chính sách tiền tệ là quan trọng cho doanh nghiệp phục hồi. Điều quan trọng là phải hạ được lãi suất cho vay.

“Chính sách tiền tệ phải mang tính phổ quát hạn chế sử dụng chính sách tiền tệ mang tính phân biệt vì sẽ dẫn đến méo mó tín hiệu. Việc giải ngân từ tài khóa cần đều đặn tránh giật cục. Vì tiền từ tài khóa khi chi tiêu sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng để cung cấp tiền nhàn rỗi cho hệ thống, qua đó giảm áp lực tăng lãi suất tiền gửi. Đồng thời, không nên giải ngân quá ồ ạt có thể gây áp lực lên lạm phát và bong bóng tài sản tài chính và bất động sản”, nhóm nghiên cứu nhận định.

Về chính sách thuế, theo nhóm nghiên cứu, các chủ trương đã có hỗ trợ sản xuất kinh doanh đã có như gia hạn thời hạn nộp, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cần sớm thể chế hóa với các thủ tục hành chính đơn giản và tổ chức triển khai để doanh nghiệp sớm nhận được hỗ trợ.

Để hỗ trợ tiêu dùng trong nước cần tính tới điều chỉnh giảm thích hợp thuế giá trị gia tăng (VAT). Nghiên cứu, xây dựng chương trình hỗ trợ vốn, tài chính quy mô lớn cho các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế. Xem xét việc giãn một số khoản thu bắt buộc đối với các doanh nghiệp, như thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn nhằm giải quyết khó khăn áp lực dòng tiền cho doanh nghiệp.

“Để giảm áp lực lên tài khóa, cần thay đổi một số chính sách thuế trong thời gian 2 năm. Như tăng mức thuế đánh lên các giao dịch chứng khoán để hạn chế hoạt động mang tính đầu cơ trên thị trường, tăng tính đầu tư của thị trường. Nghiên cứu khả năng tăng đánh thuế thu nhập cá nhân của người giàu để chia sẻ với người nghèo trong thời kỳ khó khăn”, nhóm nghiên cứu đề xuất.

Theo nhóm nghiên cứu, thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt vừa kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, thị trường tiền tệ. Tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá, giảm dần mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay một cách chủ động. Mở rộng tín dụng cho nền kinh tế nhưng không hạ chuẩn mực cấp tín dụng gắn với cơ cấu lại nợ có thời hạn và có điều kiện để không làm méo mó rủi ro ro tín dụng, che dấu nợ xấu, chất lượng tài sản.

Các ngân hàng thương mại nhà nước phải đi tiên phong trong việc hạ lãi suất cho vay. Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, trọng tâm là các tổ chức tín dụng yếu kém. Trong điều kiện căng thẳng tài chính, rủi ro gia tăng, Chính phủ xem xét có cơ chế bảo lãnh, bảo đảm tiền vay phù hợp để khơi thông dòng tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế. Cân nhắc giải pháp cấp bù lãi suất cho một số dự án, chương trình lớn.

Bên cạnh đó, các khoản hỗ trợ doanh nghiệp nên tập trung vào giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp như: giảm chi phí điện, nước, tiền lương của người lao động. Chính phủ có thể trợ cấp một phần trăm nhất định cho các doanh nghiệp trong các chi phí này.

“Tuy nhiên, cần tuân thủ nguyên tắc chi tiêu của gói kích thích phải có tính khuyến khích khắc phục những điểm yếu của nền kinh tế mà lâu nay chưa thực hiện được như: lao động làm việc trong khu vực chính thức nhưng lại dưới dạng phi chính thức (không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội); khu vực phi chính thức quá lớn; thiếu cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và sự di biến động của các doanh nghiệp và các hộ này”, nhóm nghiên cứu lưu ý.

Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người nghèo là động lực quan trọng để đẩy mạnh sản xuất

Cũng theo nhóm chuyên gia, Việt Nam là nước có tỷ lệ nhập khẩu lên đến hơn 100% GDP và Xuất khẩu cũng có tỷ lệ tương tự. Như vậy, nếu gói kích cầu tiêu dùng rất dễ bị chảy ra nước ngoài thông qua hàng nhập khẩu làm cho hiệu quả gói kích cầu kém hiệu quả.

Tổng cầu Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào cầu xuất khẩu khi xuất khẩu chiếm hơn 100% GDP. Trong khi các đối tác lớn của Việt Nam đều đang thực hiện các gói kích cầu lớn nên nhu cầu nhập khẩu cao. Vì vậy, hiệu quả nhất của gói kích cầu đó là thực hiện các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy xuất khẩu (giảm chi phí logistics, hỗ trợ chi phí phòng dịch, đảm bảo doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động 100% công suất, tăng cường năng lực thông quan, xây dựng nhà ở công nhân tập trung,…).

Về kích cầu tiêu dùng, người nghèo là những người tiêu dùng hàng trong nước là chủ yếu và ít tiêu dùng hàng nhập khẩu, vì thế, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người nghèo, nhân dịp tết là một động lực cực kỳ quan trọng để đẩy mạnh sản xuất hiện nay.

Ngoài ra, các gói hỗ trợ cần tập trung khắc phục những vấn đề bộc lộ của nền kinh tế mà đã lâu nay vẫn chưa thực hiện được./.

Theo PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên