MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá có hợp lý?

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá có hợp lý?

Trong văn bản lấy ý kiến góp ý về việc đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu, bia nhằm hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng.

K iến nghị tăng "nóng" thuế TTĐB với rượu bia, thuốc lá

Dự thảo này nhằm giải quyết bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, mặc dù mặt hàng rượu, bia đã được tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016 - 2018 nhưng Việt Nam vẫn là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Năm 2019, lượng bia tiêu thụ bình quân một người là 47,6 lít, bằng 1,2 lần năm 2015; rượu mạnh và rượu trắng là 3,4 lít, bằng 1,02 lần năm 2015.

Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng như: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự... Rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15 - 49. Do vậy, việc sử dụng rượu, bia cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa.

Hiện nay, thuế rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp. Theo tính toán của WHO, con số này mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước, tỷ lệ thuế chiếm 40 - 85%.

Với mặt hàng thuốc lá, WHO và Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị tỷ trọng thuế tiêu dùng nên chiếm 66 - 75% (từ 2/3 đến 3/4) trên giá bán lẻ thuốc lá.

Theo đánh giá của WHO, WB, IMF và các đối tác phòng chống tác hại của thuốc lá, giá bán thuốc lá của Việt Nam vẫn còn thấp do tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%. Trong khi tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ của các nước là 50 - 80% như Thái Lan 70%, Singapore là 69%, Pháp 80%...

Trong khi đó, tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao. Vì vậy, việc sử dụng thuốc lá cần được tiếp tục kiểm soát hơn và lộ trình tăng thuế này trong thời gian vừa qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như đã đề ra.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Cơ quan này cũng đề xuất đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường với mức thuế suất phù hợp để góp phần định hướng tiêu dùng. Ở chiều ngược lại, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế TTĐB với mặt hàng thân thiện môi trường như xe chạy xăng kết hợp năng lượng điện, xe điện, xe sử dụng khí thiên nhiên.

Tăng thuế có hợp lý?

Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định thuế TTĐB là gì. Tuy nhiên có thể hiểu thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu, tức là thu trực tiếp vào một số loại hàng hóa đặc biệt do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hay nhập khẩu các loại hàng hóa vào Việt Nam thuộc diện chịu thuế TTĐB và hành vi kinh doanh các dịch vụ chịu thuế TTĐB.

Bản chất của việc đánh thuế TTĐB để Nhà nước điều tiết thu nhập của người tiêu dùng vào ngân sách một cách công bằng, hợp lý từ đó đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước đồng thời thực hiện chức năng hướng dẫn, điều chỉnh việc sản xuất kinh doanh đối với các hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, chưa thật cần thiết cho nhu cầu xã hội; thể hiện sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với các loại hình hàng hóa, dịch vụ.

"Rượu, bia, thuốc là là các mặt hàng có lượng tiêu thụ cao trong xã hội tuy nhiên lại là các mặt hàng có hại cho sức khỏe, tiềm ẩn nhiều rủi ro đến sức khỏe con người, an ninh trật tự xã hội. Trong thời gian vừa qua có rất nhiều các vụ việc xảy ra liên quan đến việc sử dụng rượu, bia, thuốc lá. Vì thế Nhà nước cần tăng cường quản lý, kiểm soát một cách tập trung, chặt chẽ đối với loại hàng hóa này", luật sư Hùng chia sẻ.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng đánh giá, việc Bộ Tài chính lấy ý kiến về việc đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) để tăng thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia) nhằm hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng là cần thiết; từ đó đảm bảo an toàn xã hội, tăng cường công tác quản lý của Nhà nước.

Đồng quan điểm, luật sư Lê Hoàng Phúc An - Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X, cho rằng, việc sử dụng bia, rượu và thuốc lá cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa bởi lộ trình tăng thuế này trong thời gian vừa qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như đã đề ra. Do đó, đề xuất của Bộ Tài chính là hợp lý.

Qua các số liệu về tỷ lệ sử dụng bia, rượu, thuốc lá mà Bộ Tài chính đã phân tích, để bảo đảm không gia tăng sử dụng các mặt hàng này trong thời gian tới, cần điều chỉnh tăng thuế TTĐB để tăng kịp theo mức tăng thu nhập và lạm phát. Chính sách thuế chính là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu, bia, thuốc lá giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu, bia, thuốc lá gây ra. Khi tăng thuế để tăng giá các mặt hàng rượu, bia sẽ có tác động mạnh đến giảm nhu cầu sử dụng; đặc biệt người tiêu dùng có thu nhập thấp và thanh thiếu niên sẽ giảm sử dụng nhiều hơn.

Cũng theo Luật sư Lê Hoàng Phúc An, đối với mặt hàng thuốc lá, Bộ Tài chính nên phương án áp dụng thuế hỗn hợp, bổ sung thuế tuyệt đối với mặt hàng này; trong đó có cả thuốc lá điện tử. Bởi trên thị trường hiện nay xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…) nhưng chưa được kiểm soát. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, các sản phẩm này đều có chứa các thành phần độc hại gây hại cho người hút trực tiếp và người xung quanh như thuốc lá truyền thống.

Bên cạnh đó, Luật sư An cho rằng, đề xuất tăng thuế TTĐB với rượu, bia, thuốc lá nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng từ đó sẽ hạn chế tối đa tác động tiêu cực đối với môi trường và người không hút thuốc. Việc lạm dụng bia cũng đã gây tác hại đến sức khỏe người dân, ngoài ra còn là một trong những căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội khác như: mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm và tai nạn giao thông. Không chỉ vậy, thuốc lá còn là mối hiểm họa với sức khỏe môi trường và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất.

"Đề xuất tăng thuế TTĐB đối với ba mặt hàng này sẽ góp phần đẩy lùi được các vấn nạn xã hội, bảo vệ sức khoẻ của người dân và giảm thiểu tối đa tác nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường", Luật sư An cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tán đồng đối với đề xuất tăng thuế TTĐB với rượu, bia, thuốc lá; một số chuyên gia lo ngại dự thảo Luật dự kiến tăng thuế suất đối với rượu, bia và thuốc lá sẽ dẫn đến việc làm gia tăng tình trạng buôn lậu, trốn thuế; làm hạn chế kết quả định hướng tiêu dùng mặt hàng này của nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật.

Do vậy, ở giai đoạn hiện nay, việc đánh thuế phải song hành với các biện pháp khác nhau, đặc biệt là công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá, đặc biệt, trong bối cảnh công tác chống buôn lậu của chúng ta chưa thực sự hiệu quả, còn phải rút ra nhiều kinh nghiệm.

Theo Văn Thanh

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên