Đề xuất xây dựng Luật Xử lý nợ xấu theo thủ tục rút gọn
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đơn vị này đang đề xuất Chính phủ, Quốc hội xây dựng Luật Xử lý nợ xấu thay thế Nghị quyết 42 theo hướng trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2022.
- 24-11-2021Nợ xấu nội bảng cuối tháng 9/2021 đã trở lại ngang mức năm 2017, thành quả 5 năm có nguy cơ bị xoá bởi Covid-19
- 12-11-2021Mua bán nợ xấu "bít đường", ngân hàng và VAMC ráo riết tìm lối thoát
- 10-11-2021Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Nới lỏng điều kiện cấp tín dụng có thể làm tăng nợ xấu, bài học từ khủng hoảng năm 2007 của Mỹ
Ngày 24/11, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức toạ đàm "Xử lý nợ xấu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14".
Phát biểu tại toạ đàm, đại diện Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Nghị quyết 42 (NQ42) là Nghị quyết thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm, đến ngày 15/8/2022, NQ42 sẽ hết hiệu lực thi hành.
"Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo NQ42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42. Điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD/VAMC, cũng như quá trình tái cơ cấu TCTD", đại diện NHNN nhấn mạnh.
Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, trên cơ sở ý kiến đề xuất của các TCTD, VAMC, NHNN đã đề xuất Chính phủ đề xuất Quốc hội về việc hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu nhằm tiếp tục duy trì, phát triển các chính sách tại Nghị quyết 42 với 2 phương án.
Cụ thể, phương án 1 là đề xuất Chính phủ, Quốc hội xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các TCTD theo hướng kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại NQ42 còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung một số quy định thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc như: Quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm; có quy định loại trừ không áp dụng quy định về trường hợp xuất hiện tình tiết mới trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn; bổ sung quy định về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật của các vụ việc hành chính...
"Để đảm bảo tránh khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành vào ngày 15/8/2022, Luật xử lý nợ xấu cần được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2022", đại diện NHNN đề xuất.
Phương án thứ 2 NHNN đề xuất là trong trường hợp Quốc hội không đồng ý việc xây dựng Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, để tránh khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, đồng thời tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả của các cơ chế về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42, NHNN đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục có hiệu lực của Nghị quyết 42 với thời hạn 3 năm. Trong thời gian đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của TCTD để đảm bảo tính ổn định của quy định pháp luật.
Đồng thuận với đề xuất của NHNN, ông Vũ Minh Phương, phòng Công nợ, Vietcombank khẳng định: Việc luật hóa NQ42 là rất cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp các TCTD, với sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành có liên quan, xử lý nợ xấu hiệu quả, thực chất, bền vững. Các nhà đầu tư (trong và ngoài nước) an tâm mua, bán các khoản nợ xấu/TSBĐ; nâng cao ý thức trả nợ của các khách hàng;cải thiện "cách nhìn" của xã hội, người dân đối với hoạt động xử lý nợ xấu củacác TCTD.
Tuy nhiên, đại diện NHNN cho biết, việc bán nợ dưới giá trị ghi sổ của các ngân hàng dù đã được quy định trong Nghị quyết nhưng việc bán nợ dưới giá trị ghi sổ của khoản nợ/dưới dư nợ gốc của các TCTD vẫn gặp phải những đánh giá chưa thực sự tích cực từ phía các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Theo đó, thời gian tới cần những quy định cụ thể về xác định giá mua bán nợ.
"Hiện chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về cách thức xác định giá bán nợ, dẫn tới rủi ro cho cả bên bán và bên mua; đứng trước lo ngại về thất thoát tài sản nhà nước với những doanh nghiệp, ngân hàng nhà nước. Đây là một trong những vướng mắc lớn nhất trong hoạt động bán nợ", ông Phương nói.
Ngoài ra, theo đại diện Vietcombank, thị trường mua bán nợ tại Việt Nam vẫn chưa phát triển, chưa có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tham gia thị trường nên các TCTD chủ yếu bán nợ cho 2 đơn vị chính là DATC và VAMC, gây khó khăn cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD; hay quy định tại NQ42 mới bao gồm xử lý nợ xấu nội bảng, chưa bao gồm nợ xấu hạch toán ngoại bảng, nên trong luật thay thế cần mở rộng phạm vi, đối tượng bao phủ, để nợ xấu được xử lý tốt hơn.
Nhà đầu tư