MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất xây dựng Nghị định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam

08-10-2020 - 07:10 AM | Thị trường

Bộ Công Thương đang đề xuất xây dựng Nghị định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh những cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt tình trạng hàng hóa gian lận xuất xứ để xuất khẩu đi nước ngoài nhằm hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Vì vậy, nhằm siết chặt quản lý từ những tác động xấu đến thương hiệu hàng hóa của Việt Nam cũng như hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương đang đề xuất xây dựng Nghị định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian gần đây hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa bắt đầu gia tăng và phức tạp hơn nhiều. Đáng lưu ý, trong danh sách hàng loạt các mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ có nhiều mặt hàng nằm trong diện xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Không những thế, đã có nhiều trường hợp hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn, ghi xuất xứ hàng hóa trên bao bì, sản phẩm được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa bị bóc nhãn và thay nhãn mới ghi "Made in Vietnam" hoặc, "xuất xứ Việt Nam".

Ngoài ra, nhiều thương nhân nước ngoài lợi dụng doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ vận chuyển quá cảnh; tạm nhập tái xuất để trung chuyển hàng hóa, sau đó thương nhân nước ngoài làm giả C/O Việt Nam để gian lận xuất xứ hàng hóa.

Ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.

Đáng lưu ý, vi phạm chủ yếu là gian lận về xuất xứ, chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn hiệu. Thủ đoạn để trốn tránh kiểm tra, kiểm soát là hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm; thành phẩm sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ rồi giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ...

Thời gian qua, Cục Xuất Nhập khẩu nhiều lần gửi hồ sơ sang Tổng cục Quản lý thị trường về nghi vấn gian lận C/O, làm C/O giả. Qua kiểm tra, doanh nghiệp cũng lý giải là do cần gấp C/O, nếu không cấp kịp phía đối tác sẽ huỷ đơn hàng.

Một nguyên nhân khác là tình trạng lợi dụng việc một số nước nhập khẩu áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ nên vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng Việt Nam.

Thống kê cho thấy, nếu như năm 2007 Việt Nam mới gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 100 tỷ USD thì năm 2019 đã đạt tới con số 500 tỷ USD.

Như vậy, chỉ trong vòng 12 năm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần và số lượng các vụ việc, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng gia tăng theo. Điều này cho thấy hành lang pháp lý hiện chưa theo kịp diễn biến thực tế và quy định về quy tắc xuất xứ với một số mặt hàng còn lỏng lẻo.

Tính đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội và các doanh nghiệp tiếp nhận, xử lý 176 vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ làm rất mạnh việc cảnh báo sớm đến cộng đồng doanh nghiệp; trong đó, rà soát để cảnh báo đúng mặt hàng trọng điểm, thị trường trọng điểm có nguy cơ rủi ro gian lận xuất xứ, không cảnh báo tràn lan, tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Thực tế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực cảnh báo về nguy cơ gian lận xuất xứ với các mặt hàng như nông sản, gỗ dán, lốp xe cũng như tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu, không tiếp tay cho hành vi gian lận; phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, ngăn chặn gian lận.

Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính về gian lận xuất xứ hiện vẫn quá thấp, việc thực thi cũng chưa hiệu quả do một số cơ quan, cá nhân ở cơ sở làm việc trong lĩnh vực này còn thiếu trách nhiệm.

Hơn nữa, qua rà soát hiện chưa có văn bản qui phạm pháp luật qui định các tiêu chí và điều kiện cụ thể để doanh nghiệp xác định và thể hiện trên hàng hóa, bao bì hàng hóa là "Sản phẩm của Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam".

Hiện nay, nhu cầu thể hiện xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa theo thông lệ quốc tế mới rất cấp thiết. Sự hình thành các chuỗi cung ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong đó có thể có nhiều nước cùng tham gia sản xuất một sản phẩm, đã và đang tạo ra những thay đổi trong cách ghi xuất xứ, nguồn gốc của hàng hóa.

Do đó, bên cạnh những cách ghi truyền thống như "Sản phẩm của...", "Sản xuất tại...", đã xuất hiện những cách ghi khác thể hiện chính xác hơn nguồn gốc của sản phẩm như "Lắp ráp tại (quốc gia, vùng lãnh thổ)" hay "Chế tạo bởi tên công ty, tập đoàn"...

Bởi vậy, Bộ Công Thương đã có Tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định "Sản xuất tại Việt Nam".

Để giải quyết những vấn đề bất cập trong thực tế, dự kiến Nghị định sẽ qui định đối với một số nội dung như tiêu chí để xác định một hàng hóa là "Sản phẩm của Việt Nam" hoặc "Sản xuất tại Việt Nam".

Phương thức thể hiện nội dung này trên hàng hóa, bao bì hàng hóa tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn một trong một vài cụm từ để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Riêng với trường hợp không chắc chắn về xuất xứ Việt Nam, cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn thể hiện nguồn gốc hàng hóa theo cách khác trên nhãn hàng hóa.

Theo Uyên Hương (TTXVN)

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên