MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất xoá sổ xăng RON 95: Giá cồn E100 "độc quyền" trong nước đắt hơn nhập ngoại

07-05-2018 - 14:21 PM | Thị trường

Trước nỗi lo độc quyền nguyên liệu xăng sinh học, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng: Không có vấn đề độc quyền E100 vì các công ty xăng dầu có quyền nhập khẩu E100, đầu năm nay đã có 3 lô hàng nhập khẩu về Việt Nam, giá nhập còn cạnh tranh hơn hàng nội

Trong cuộc họp mới đây tại Bộ Công Thương về triển khai xăng sinh học E5, ông Trần Minh Hà, Phó tổng giám đốc Saigon Petro đặt ra vấn đề nên sớm triển khai bán xăng sinh học E5RON95 và chỉ kinh doanh 2 loại xăng sinh học toàn quốc là E5RON92 và E5RON95.

Đề xuất xoá sổ xăng RON 95: Giá cồn E100 độc quyền trong nước đắt hơn nhập ngoại - Ảnh 1.

Trước đó, SaigonPetro là đơn vị đã có văn bản xin bán lại xăng A92 và muốn bỏ xăng E5.

Tại thị trường trong nước, hiện chỉ có nhà cung cấp cồn E100 là Công ty TNHH Tùng Lâm. Do giá sắn tăng cao, Công ty TNHH Tùng Lâm đã phải tăng giá E100. Đây cũng là vấn đề lo ngại lớn của các thương nhân đầu mối xăng dầu được nhắc đến tại buổi làm việc.

Về vấn đề này, ông Vũ Kiên Chỉnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tùng Lâm, cho biết, trong 10 tháng (từ tháng 6/2017 đến 15/4/2018), giá sắn đã tăng thêm 2.000 đồng/kg (từ 3.600 đồng lên 5.600 đồng).

Lãnh đạo công ty Tùng Lâm nói rằng, tăng giá E100 là "bắt buộc", không phải vì lý do công ty độc quyền.

Đánh giá về những khó khăn trong quá trình triển khai kinh doanh xăng E5, Lãnh đạo Petrolimex chia sẻ, tỷ trọng bán xăng E5 chưa đạt mức kỳ vọng, do người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng khi sử dụng xăng E5 bởi dư luận trong xã hội còn có nhiều ý kiến trái chiều.

Ngoài ra, độ chênh giá giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng RON 95 chưa đủ lớn để hấp dẫn người dùng; việc triển khai của nhiều thương nhân đầu mối chưa thực sự quyết liệt...

Ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học khi trả lời  báo chí, thừa nhận việc chỉ có hai nhà máy của Công ty Tùng Lâm sản xuất E100 thì chỉ đủ cho việc thay thế toàn bộ xăng RON 92 bằng xăng E5 RON 92.

“Nếu sử dụng E5 RON 95 và bỏ xăng RON95 ngay thì phải nhập khẩu E100, hoặc nhà nước phải hỗ trợ Nhà máy Bình Phước và Nhà máy Dung Quất tái sản xuất”, ông Thái nói.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Nhiên liệu sinh học, nguyên nhân chính khiến 2 nhà máy này không hoạt động là do bị lỗ nặng nếu giá xăng và giá sắn như hiện nay. Bản thân 2 nhà máy của Tùng Lâm cũng đang lỗ nhưng do chi phí sản xuất thấp và bán được phụ phẩm nên "còn cầm cự được".

Lộ trình thay thế xăng RON 95 bằng E5 RON95 phụ thuộc nhà nước xử lý các vấn đề trên như thế nào.

Trước nỗi lo độc quyền cung cấp nguyên liệu xăng sinh học, ông Lưu Quang Thái cho rằng: Không có vấn đề độc quyền E100 vì các công ty xăng dầu có quyền nhập khẩu E100 (2 tháng đầu năm nay đã có 3 lô hàng nhập khẩu về Việt Nam). Giá nhập còn cạnh tranh hơn sản xuất trong nước.

Tại phiên họp báo Chính phủ chiều 3.5, trả lời câu hỏi báo giới về việc doanh nghiệp kiếm nghị bỏ xăng RON95, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải cho biết: “Chúng tôi thấy rằng cần xem xét kỹ đề xuất trên bởi vì  hiện nay duy nhất công ty Tùng Lâm cung cấp nhiên liệu loại này. Cùng với đó cần đảm bảo giá có cạnh tranh hay không vì hiện nay ta đã cho phép nhập khẩu xăng không phải chỉ sử dụng trong nước, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh”.

Theo PV

Infonet

Trở lên trên