Deloitte: Giới trẻ toàn cầu hiện nay đang ngày càng chán đời
Về kinh tế, giới trẻ ngày nay có vẻ khá mờ mịt và ít hy vọng khi chỉ có 26% kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện hơn trong 12 tháng tới, thấp hơn rất nhiều mức 45% vào năm 2018.
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chất lượng sống ngày nay càng được cải thiện và đáng lẽ ra giới trẻ phải cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhưng không, khảo sát của hãng Deloitte cho thấy những người sinh từ năm 1983-1994, tức trong khoảng 25-36 tuổi đang cực kỳ thất vọng và mờ mịt về tương lai.
Cuộc khảo sát được thực hiện tại 42 quốc gia cho thấy thay đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang khiến giới trẻ ngày nay lo lắng nhất khi cha ông để lại cả đống "rác" cho họ. Khoảng 29% số người được hỏi cho biết họ quan tâm vấn đề này nhất, tiếp đó là bất bình đẳng thu nhập với 21%.
Trớ trêu thay, việc quan tâm đến môi trường và thay đổi khí hậu chẳng làm biến động lối sống hưởng thụ của lớp trẻ. Nghiên cứu của MIT cho thấy giới trẻ Mỹ ngày nay sử dụng nhiều xe hơi hơn các thế hệ trước. Rõ ràng, ngồi xe điều hòa mát lạnh vẫn quan trọng hơn là hôm nay trái đất lại tăng thêm mấy độ.
Về kinh tế, giới trẻ ngày nay có vẻ khá mờ mịt và ít hy vọng khi chỉ có 26% kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện hơn trong 12 tháng tới, thấp hơn rất nhiều mức 45% vào năm 2018. Hơn 50% số người được hỏi cho biết tình hình tài chính của họ có khả năng tệ hơn trong tương lai. Chỉ khoảng 22% giới trẻ là kỳ vọng tình hình chính trị, xã hội của nước họ sẽ được cải thiện hơn, thấp hơn rất nhiều mức 33% vào năm 2018.
Tệ hơn, số giới trẻ cho rằng nền kinh tế đang có tác động tích cực đến xã hội đã giảm từ 61% năm 2018 xuống 55% hiện nay. Khoảng 2/3 người trẻ cho rằng kinh doanh, giới doanh nhân, nhà đầu tư… chẳng quan tâm gì đến cộng đồng ngoài lợi ích bản thân và kiếm tiền. Trên thực tế, giới trẻ ngày nay cho rằng giới kinh doanh nên quan tâm hơn đến tạo việc làm, nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm.
Hiện nhiều bạn trẻ ngày nay đang không hài lòng với công việc của mình. Khảo sát của Deloitte cho thấy 49% giới trẻ có kế hoạch nghỉ việc trong 2 năm tới, tăng 38% so với năm 2017. Không hài lòng về mức lương là nguyên nhân chính, tiếp theo đó là thiếu cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
Về nền kinh tế chia sẻ, đáng lẽ ra nó phải khiến giới trẻ vui vẻ bởi tạo ra nhiều việc làm thì thực tế lại không như vậy. Nền kinh tế chia sẻ chỉ chiếm 1% lượng việc làm có trả lương tại Mỹ và giới trẻ cũng suy nghĩ khá phức tạp về mảng này.
Trong khi 48% bạn trẻ cho rằng tham gia nền kinh tế chia sẻ sẽ cân bằng được cuộc sống hơn là đi làm bình thường thì 49% lại cho rằng quyền lợi người lao động của nền kinh tế chia sẻ chưa được bảo vệ chính đáng. Thậm chí 60% giới trẻ nghĩ rằng nền kinh tế chia sẻ chỉ có tác dụng là giảm chi phí chứ chả giúp ích gì hơn cho xã hội.
Nhịp Sống Kinh Tế