"Đệm" thanh khoản tăng mạnh, ngân hàng có nhiều lợi thế hậu Covid-19
Báo cáo tài chính của các ngân hàng niêm yết cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, nợ xấu của các ngân hàng tăng khoảng 30%. Tuy nhiên, vẫn có số ít ngân hàng vừa tăng trưởng mạnh lợi nhuận lại vừa lội ngược dòng nợ xấu, làm dày đệm thanh khoản – là nền tảng tốt để có thể bật mạnh sau khi kinh tế phục hồi vào năm 2021.
- 26-11-2020Ngân hàng đang dần buông công ty tài chính
- 25-11-2020KBSV: Nhiều ngân hàng đang xin thêm hạn mức tín dụng, HDBank và TPBank nhiều khả năng được nới
- 25-11-2020Hiệu quả hoạt động ngân hàng ra sao giữa đại dịch Covid-19?
"Bộ đệm" dự phòng nợ xấu tăng nhanh ở một số ngân hàng
Theo báo cáo tài chính đã công bố, trong 9 tháng đầu năm nay, nợ xấu của hầu hết các ngân hàng đều tăng. Trong số 27 ngân hàng được chúng tôi khảo sát thì mức nợ xấu tăng tổng cộng 30% so với cuối năm 2019, điều này gây áp lực lớn lên bộ đệm rủi ro nợ xấu của các ngân hàng. Một số ngân hàng có truyền thống giữ bộ đệm dự phòng khá cao thì trong 9 tháng qua cũng ghi nhận sụt giảm, chẳng hạn ACB, VietinBank, MSB, LienVietPostBank...Song cũng có những ngân hàng chấp nhận hi sinh lợi nhuận (thực tế thì lợi nhuận sau khi trích dự phòng vẫn còn rất cao) để giữ ổn định hoặc tăng bộ đệm dự phòng, song song với việc duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp chẳng hạn MB, Vietcombank, HDBank, Techcombank, VPBank, Sacombank...
Tại Techcombank, ngân hàng đã tăng mức dự phòng bao phủ nợ xấu từ 94,8% cuối năm ngoái lên 148% tại thời điểm 30/9. Vietcombank trong khi đó nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu vốn đã khá cao trước đó là 178% lên 215%, còn nợ xấu của ngân hàng tăng 36% trong 9 tháng đầu năm. Vietcombank cho biết với mức dự phòng rủi ro hiện tại, ngân hàng có thể xử lý toàn bộ nợ xấu và cả nợ nhóm 2 mà vẫn thừa ra khoảng 4.000 tỷ đồng.
Tại MB, trước tình hình nợ xấu tăng hơn 39%, ngân hàng cũng đã phải tăng dự phòng rủi ro cho vay lên gần 50% để phòng thủ, nâng tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu từ 110% lên 119%. Sacombank thì tăng tỷ lệ này từ 79% lên hơn 92% song song với nợ xấu tăng thêm 19%.
Tại VPBank lại có chút đi ngược lại khi nợ xấu riêng lẻ của nhà băng này đến cuối tháng 9 chỉ còn 2,01%, so với mức 2,18% cuối năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất ở dưới 3% trong khi nợ xấu thời điểm cuối quý 3/2019 là 3,10%. Tỷ lệ dự phòng nợ xấu cũng tăng mạnh thêm 30% ở ngân hàng riêng lẻ và 14% ở ngân hàng hợp nhất. Việc giảm nợ xấu trong bối tín dụng hợp nhất tăng tới 16,5%, lợi nhuận trước thuế tăng 30,5% và bối cảnh nền kinh tế đầy rủi ro do dịch bệnh là điều không hề đơn giản.
Chia sẻ với truyền thông dịp gần đây, ông Dmytro Kolechko, Giám đốc Khối quản trị rủi ro VPBank cho hay, vào thời điểm nền kinh tế rơi vào khủng hoảng nặng nề nhất do Covid 19, tức là khoảng tháng 3 - tháng 4/2020, nợ xấu của riêng ngân hàng mẹ VPBank vẫn ổn định nhờ chính sách thắt chặt tín dụng với các phân khúc rủi ro cao. Tuy nhiên, sau khi trạng thái bình thường mới được thiết lập trở lại, tỷ lệ dịch chuyển nợ xấu của từng phân khúc dần được ổn định. Thậm chí, nhiều nhóm nợ tại ngân hàng mẹ còn giảm khá mạnh. Mặc dù 9 tháng đầu năm, ngân hàng đã thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước với tổng dư nợ lên tới gần 27.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến 30/9/2020, hơn 96% số dư nợ được tái cấu trúc này đã trở lại trạng thái bình thường.
"Chúng tôi vừa cơ cấu nợ theo đúng hướng dẫn và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, vừa phối hợp với doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, nhờ vậy, đa số khách hàng vẫn duy trì hoạt động ổn định, trả lãi đều đặn. Hiện chỉ còn một tỷ lệ rất nhỏ doanh nghiệp yêu cầu tái cấu trúc đợt hai, số khách hàng rơi vào chậm trả nợ là hầu như không đáng kể", ông Dmytro Kolechko cho biết.
Song song với việc duy trì giảm tỷ lệ nợ xấu, VPBank tiếp tục áp dụng chính sách trích lập tín dụng thận trọng thông qua việc gia tăng tỷ lệ dự phòng. Tính đến hết tháng 9/2020, ngân hàng đã trích lập 10.303 tỷ đồng dự phòng, tăng 14,4% tại ngân hàng hợp nhất và tăng hơn 30% tại ngân hàng riêng lẻ so với cùng kỳ, sau khi đã loại trừ khoản chi phí dự phòng cho VAMC. Việc tăng mạnh dự phòng rủi ro bất chấp nợ xấu giảm cho thấy tiềm lực tài chính của ngân hàng cũng như quan điểm thận trọng của lãnh đạo nhà băng.
Ngoài nợ xấu, trích lập dự phòng, các chỉ số an toàn khác của VPBank hiện cũng đang ở mức rất tốt. Cụ thể, hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel 2 đạt tới 11,22% tính đến cuối tháng 9/2020, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% theo yêu cầu. Tỷ lệ dư nợ tín dụng/tổng vốn huy động (LDR) đạt 67% (giới hạn của NHNN là 85%). Thanh khoản của ngân hàng cũng được cải thiện mạnh mẽ với thời gian dự trữ thanh khoản trung bình (Time to wall) là 1- 1,5 tháng, thậm chí có thời điểm đạt 2,5 tháng.
Theo đánh giá của giới phân tích, các chỉ số an toàn được củng cố cho thấy ngân hàng luôn sẵn sàng với "bộ đệm" dự phòng nợ xấu để ứng phó với các tác động của dịch bệnh. Việc trang bị gối nệm thanh khoản dày cũng giúp các nhà băng tận dụng tốt hơn cơ hội tăng tốc khi nền kinh tế phục hồi.
Sẵn sàng cho cú bật tăng trưởng phân khúc bán lẻ
Mới đây, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng năm 2021, theo đó GDP sẽ tăng khoảng 6%. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, để phục vụ mục tiêu này, tín dụng toàn hệ thống có thể tăng 15%. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có thể tăng mạnh tín dụng. Những ngân hàng nào quản trị rủi ro tốt, thanh khoản tốt, nguồn vốn dồi dào sẽ có nhiều lợi thế.
Theo các chuyên gia, khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu vay vốn của cá nhân (nhất là vay mua nhà, sửa nhà) và của doanh nghiệp SME sẽ tăng mạnh. Đây là phân khúc có thể tạo sự tăng trưởng đột phá cho ngân hàng. Tuy nhiên, để có thể tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực này, ngân hàng phải có đệm dự phòng thanh khoản thật tốt, vì đây đều là các lĩnh vực đòi hỏi quản trị rủi ro tốt, thanh khoản cao, có hệ sinh thái khách hàng lớn và đa dạng.
Tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư hồi đầu tháng này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, động lực tăng trưởng đầu tiên của ngân hàng giai đoạn tới là tín dụng, đặc biệt là tín dụng cá nhân và tín dụng doanh nghiệp SME. Từ quý IV/2020, ngân hàng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng phân khúc này. Dự kiến, tổng dư nợ cho vay cá nhân và doanh nghiệp SME trong năm 2020 tăng khoảng 10.000 tỷ đồng so với năm ngoái. CEO của nhà băng này đồng thời cam kết sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa thời gian tới song vẫn đảm bảo tính thận trọng, bảo vệ tốt chất lượng tài sản ngân hàng.
Chia sẻ với chúng tôi dịp gần đây, lãnh đạo một số ngân hàng đang có nền tảng tốt đều cho biết sẽ tập trung mạnh hơn nữa vào phân khúc bán lẻ trong năm tới. Thậm chí có ngân hàng còn xác định đó là mũi nhọn và "dồn tổng lực" nhằm tăng tỷ trọng bán lẻ trong tổng doanh thu từ mức hơn 10% hiện nay lên khoảng 30-40% trong năm sau.