Đến bao giờ condotel mới tỉnh giấc?
Giấc ngủ đông của condotel có khả năng sẽ còn tiếp tục kéo dài khi diễn biến dịch bệnh chưa có dấu hiệu kết thúc. Các chuyên gia cho rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát, cơ sở pháp lý cho loại hình “con lai” này được xây dựng thì cơ hội phục hồi của condotel mới xuất hiện.
Theo chia sẻ của ông Đinh Nhân (Khánh Hoà), kể từ năm 2018 đến nay, Nha Trang, nơi từng được mệnh danh là thủ phủ condotel không ghi nhận dự án mới nào xuất hiện. Đáng chú ý, hoạt động rao bán cắt lỗ diễn ra nhưng… không có người mua.
Khảo sát mới đây của batdongsan.com cũng ghi nhận, nhiều condotel trên đường Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng… đang được rao bán cắt lỗ phổ biến từ 100 đến 300 triệu đồng/căn. Cá biệt có những căn condotel trên đường Lê Thánh Tôn chấp nhận cắt lỗ 400-500 triệu đồng cũng chưa có người mua.
Không chỉ có Nha Trang mà tại Đà Nẵng, trên các đường Lý Thường Kiệt, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Ngô Quyền… nhiều chủ sở hữu của loại hình sản phẩm bất động sản này đang rao bán cắt lỗ phổ biến từ 200 đến 300 triệu đồng/căn.
Thị trường condotel được dự báo còn nhiều khó khăn. (Ảnh: Hồng Vĩnh)
Thực tế kịch bản ế ẩm với loại hình từng được mệnh danh là "con gà đẻ trứng vàng" đã diễn ra từ nhiều năm trước. Cụ thể, từ giữa năm 2018, thị trường condotel đã bắt đầu có dấu hiệu lao dộng. Đến năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến đà trượt dốc của loại hình này càng gia tăng.
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, lượng condotel bán trên thị trường năm 2020 vào khoảng hơn 18.000 sản phẩm, trong đó chủ yếu là hàng tồn. Hầu hết trong năm 2020, giao dịch condotel gần như đóng băng. Đến cuối năm 2020, lượng giao dịch mới phát sinh nhưng không đáng kể.
Bước sang năm 2021, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, tiếp tục "dập tắt" khả năng phục hồi của loại hình condotel. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, khó khăn của thị trường condotel đến từ nhiều nguyên nhân mà điển hình là ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trong khi đó, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, chính yếu tố pháp lý chưa rõ ràng là nguồn cơn đẩy condotel vào tình trạng "chưa lối thoát". Thêm ảnh hưởng của dịch bệnh, condotel càng gặp khó khăn.
Theo ông Nguyễn Hoàng, DKRA Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn tới khó khăn của loại hình condotel. Cụ thể, ở giai đoạn năm 2016 - 2018, phân khúc này trỗi dậy và có nguồn cung rất lớn. Mỗi năm, khoảng hàng chục ngàn căn được đưa thị trường, tạo nên cuộc đua về lợi nhuận từ rất nhiều dự án. Nguồn cung mới vượt quá sức hấp thụ nên khách mua tìm đến các dự án mới.
Mặt khác, ông Hoàng cho rằng, một số nhà đầu tư khi mua condotel với mục đích đầu tư tìm kiếm lợi nhuận từ việc cho thuê, bán lại. Nhưng từ cuối 2018 đến nay, một số dự án không thực hiện được lợi cam kết lợi nhuận hoặc lợi nhuận vận hành cho thuê không đáp ứng kỳ vọng, làm cho khách hàng dần vơi bớt niềm tin vào phân khúc này. Điều này cho thấy, không chỉ thị trường thứ cấp khó khăn mà cả thị trường sơ cấp cũng suy giảm mức tiêu thụ.
"Từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực du lịch - nghỉ dưỡng, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, không mang lại lợi nhuận. Điều đó làm cho người mua bất động sản nghỉ dưỡng càng thận trọng hơn. Từ sau trường hợp vỡ cam kết lợi nhuận của 1 dự án vào năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng gần như rơi vào tình trạng ngủ đông. Mặc dù giai đoạn đầu năm 2021 có một vài dấu hiệu bừng tỉnh, nhưng dịch Covid-19 đợt 4 xuất hiện đã làm phân khúc này tiếp tục "chìm vào giấc ngủ"", ông Hoàng phân tích thêm.
Dự báo về diễn biến của loại hình condotel trong thời gian tới, theo DKRA Việt Nam, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, hoạt động du lịch bị suy giảm nghiêm trọng nên từ nay đến cuối năm thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và condotel nói riêng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, có thể nói gần như thị trường ngủ yên.
Đến khi các hoạt động kinh tế - xã hội hoạt động trở lại, phải cần thêm một khoảng thời gian để thị trường đủ "thấm" và sôi động hơn.
Ông Hoàng cũng lạc quan nhận định: "Dự kiến vào cuối năm nay, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và chương trình tiêm chủng vaccine hoàn thành, các hoạt động kinh doanh thương mại từng bước phục hồi và du lịch nội địa/quốc tế được nối lại, có thể sang năm 2022 thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có dấu hiệu tích cực trở lại".