MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Đến châu Âu là một sai lầm": Tâm sự của vị bác sĩ dành cả năm trời đến được miền đất hứa, để rồi vỡ mộng vì điều kiện "không dành cho con người"

11-11-2019 - 22:19 PM | Sống

Câu chuyện về Kamal Mahmood - người đã cùng gia đình đã phải mất đến 17 tháng để đặt chân đến Hy Lạp. Để rồi giờ đây khi nhìn lại, ông phải thừa nhận đó là một sai lầm.

Những di dân vỡ mộng

Đáng ra, Mahmood đã có thể là một bác sĩ tại quê hương Iraq. Còn tại Hy Lạp, anh được xem là một người di cư, giống như bao người khác.

Cuộc sống của anh và vợ tại trời Âu được gói gọn trong 3 chữ "nghèo thảm thương". Cả gia đình phải sống trong lều bạt, tại một khu trại dành cho người nhập cư. Cứ như vậy, cho đến khi anh quyết định trở về quê hương theo một chính sách của chính phủ, kèm theo 12.000 USD tiền lộ phí.

"Đừng có làm mất nó đấy," - viên chức di cư của Liên Hợp Quốc (UN) đưa cho Mahmood một tệp tài liệu kèm lời dặn dò tại sân bay Athens. "Đây là tấm vé đưa anh trở lại Iraq."

"Tôi biết rồi," - người đàn ông nay đã 44 tuổi lặng lẽ đáp, cầm lấy tấm vé cùng tờ hộ chiếu tạm thời cho anh, vợ và 4 đứa con. Ngay phía trước, dòng chữ "một chiều" in to và rõ ràng.

Đến châu Âu là một sai lầm: Tâm sự của vị bác sĩ dành cả năm trời đến được miền đất hứa, để rồi vỡ mộng vì điều kiện không dành cho con người - Ảnh 1.

Chương trình mà Mahmood và gia đình tham gia được tài trợ bởi chính phủ Hy Lạp và Liên minh châu Âu (EU), được xem là con đường đầy nhân văn đưa người di cư quay trở về từ châu Âu. 3 năm qua với chương trình này, 16.900 người đã được trở về châu Phi, châu Á hoặc Trung Đông. Đây là hệ quả tất yếu sau khi các nước trong EU siết chặt chính sách nhập cư tại biên giới, khiến những người đến đây hoặc là di cư bất hợp pháp, hoặc là phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn.

"Đến châu Âu là một sai lầm"

Đó là cảm nhận chung của rất nhiều người di cư tại châu Âu lúc này. Tại nơi tưởng là miền đất hứa, họ lại có quá ít lựa chọn, nhất là với những người quá nghèo, không có tiền để trở về. Ngay cả khi bị từ chối cho nhập cư, họ cũng hiếm khi bị bắt buộc trục xuất. Rốt cục, rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Người di dân muốn trở về nhà. Một số người trở về sau khi bị từ chối vì không đủ tiêu chuẩn là người tị nạn. Một số khác sống quá cực khổ, phải làm nông ở những trang trại dưới chuẩn, với mức lương thấp đến mức phi pháp. Số khác mắc kẹt trong các khu lều trại của người tị nạn, cực kỳ đông đúc, ngột ngạt và mất vệ sinh.

Đến châu Âu là một sai lầm: Tâm sự của vị bác sĩ dành cả năm trời đến được miền đất hứa, để rồi vỡ mộng vì điều kiện không dành cho con người - Ảnh 2.

Trong một khu trại tị nạn tại Hy Lạp

"Những ai muốn trở về là những người đã chịu đựng quá đủ rồi," - trích lời Gianluca Rocco, giám đốc Tổ chức di dân quốc tế (IOM) - chiến dịch giúp người di dân trở về quê hương một cách tự nguyện đang diễn ra tại Hy Lạp.

Các tổ chức về nhập cư cho biết chiến dịch lần này của IOM cung cấp cho người di cư những gì còn thiếu để trở về: hộ chiếu di chuyển, vé máy bay, và một khoản tiền nhỏ. Có thể là vài trăm, một số người nhận đến cả ngàn euro để có thể tìm việc hoặc tự kinh doanh tại quê hương. Dẫu vậy, việc các di dân muốn rời đi cũng cho thấy một sự thật rằng châu Âu đã thất bại trong việc cưu mang những người cần tị nạn, hoặc cần tìm những cơ hội tốt hơn cho gia đình - giống như trường hợp của Mahmoods.

Đêm cuối cùng tại châu Âu, Mahmood chỉ ngủ 2 tiếng. Anh nghĩ về lý do tại sao mình lại đến Hy Lạp. Con trai đầu của anh đã mất vì bệnh bạch cầu - nỗi mất mát khiên Mahmood đổ lỗi cho hệ thống y tế nghèo nàn tại Iraq. Vợ anh sau đó mắc bệnh tim, cũng hiếm khi ra được khỏi nhà. Trong lúc khó khăn nhất, Mahmood lại bị giáng chức quản lý tại bệnh viện nơi anh công tác, chỉ vì lý do căng thẳng chính trị với người Kurd (cũng chính là dân tộc của anh).

Khi ấy, một chuyến đi tị nạn tại châu Âu giống như một giấc mơ vậy. Đó sẽ là một khởi đầu mới, hay ít ra là anh nghĩ thế.

"Đó là cách để chúng tôi vượt qua nỗi đau," - Mahmood chia sẻ.

Đến châu Âu là một sai lầm: Tâm sự của vị bác sĩ dành cả năm trời đến được miền đất hứa, để rồi vỡ mộng vì điều kiện không dành cho con người - Ảnh 3.

Nhưng họ đã không biết rằng mái nhà tại trời Âu đang chờ đón họ là một khu trại biệt lập, nơi gần như rất khó kiếm việc làm. Thi thoảng trong đêm lại có các vụ bạo lực xảy ra, sử dụng cả dao. Mahmood nhớ trên dưới 1 lần, gia đình anh phải dời trại ra ngoài ranh giới khu vực để đảm bảo an toàn.

Con cái anh vẫn được đi học, nhưng chỉ được đến lớp vào chiều muộn, sau khi trẻ em Hy Lạp đã rời đi. Lớp học cũng chỉ có 1, tập hợp đủ trẻ em các độ tuổi và khác biệt hoàn toàn về ngôn ngữ.

Những người tiến thoái lưỡng nan

Những người đang chờ về quê như Mahmood vốn đến châu Âu theo đường bất hợp pháp. Mọi giấy tờ của họ đã mất. Và vì không có giấy tờ, họ buộc phải làm những công việc tay chân cực kỳ vất vả, không tương xứng với trình độ.

Sheharyar Sultan, 24 tuổi, vốn là một dược sĩ tại Pakistan, giờ đây phải đi hái cam với mức lương 20eu/ngày, không bảo hiểm, không phụ cấp. Và đó còn là sự may mắn, bởi như Mamdouh Awad, 24 tuổi đến từ Morocco, anh phải dành phần lớn thời gian ở trại tị nạn của đảo Lesbos, nơi cực kỳ nghèo nàn về cả vật chất lẫn tinh thần. Mọi người buộc phải uống rượu vào những đêm đông giá rét dù không muốn, chỉ để "giữ ấm" - trích lời anh.

Hay như gia đình Mahour, những người đã 2 lần tìm cách đến những nơi xa hơn của Bắc Âu với vài tấm hộ chiếu giả. Họ bị chặn lại cả 2 lần, đều bị từ chối tị nạn ở Hy Lạp (nhưng không bị trục xuất). Giờ đây, cô con gái 17 tuổi phải làm diễn viên tại một nhà hát ở Athens, trên người chằng chịt vết xăm và lỗ xỏ khuyên. Con trai thứ mới được hơn 1 tuổi, nay đã có tên châu Âu là Nelson. Họ muốn trở về nhưng lo sợ, vì quê hương là nơi có thể khiến họ bị trừng phạt vì khác biệt tôn giáo.

Đến châu Âu là một sai lầm: Tâm sự của vị bác sĩ dành cả năm trời đến được miền đất hứa, để rồi vỡ mộng vì điều kiện không dành cho con người - Ảnh 4.

Gia đình Mahour

"Trở về Iran, tôi không biết liệu mình sẽ bị sa thải hay phải ngồi tù nữa," - Habib Mahour, hiện đang làm công nhân xây dựng cho biết. "Nhưng có điều tôi biết là mình sẽ không thể lấy được giấy tờ cần thiết ở đây. Tôi muốn trở về, bất kể hậu quả ra sao. Chúng tôi quá mệt mỏi ở Hy Lạp rồi."

Trong số các quốc gia trong EU, Hy Lạp có lẽ là nơi khắc họa được rõ rệt nhất tình cảnh tiến thoái lưỡng nan của người di cư. Quốc gia này là cửa ngõ tiến vào châu Âu dành cho những di dân vượt qua được Thổ Nhĩ Kỳ, và chỉ một số ít sau khi đến nơi thực sự muốn ở lại. Năm 2015 - thời kỳ cao điểm di cư ở lục địa này, những người tị nạn khi đến Hy Lạp chỉ muốn nhanh chóng đi tiếp lên phương Bắc, vượt qua Balkan để đến những đất nước giàu có hơn - như Đức và Thụy Điển. Nhưng sau đó, những quốc gia láng giềng này đã siết chặt chính sách, chặn đứng cửa ngõ nhập cư. Rốt cục, hơn một triệu di dân đến với Hy Lạp từ năm 2015, và chỉ có 240.000 người được chấp thuận tị nạn hợp pháp mà thôi.

Một giải pháp Hy Lạp có thể lựa chọn là đưa các di dân quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo một thỏa thuận trị giá 6 tỉ euro vào năm 2016 với EU, Thổ Nhĩ Kỳ đáng ra đã phải mở cửa đón nhận một lượng lớn di dân quay trở lại. Nhưng rất tiếc, mọi sự không thành, bởi những di dân có quyền tị nạn ở Hy Lạp - nghĩa là họ được phép ở lại đó nhiều năm. Hệ quả, 100.000 di dân từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp, chỉ 2000 người thực sự quay lại.

Đến châu Âu là một sai lầm: Tâm sự của vị bác sĩ dành cả năm trời đến được miền đất hứa, để rồi vỡ mộng vì điều kiện không dành cho con người - Ảnh 5.

Các khu trại ô nhiễm của người tị nạn.


Đến châu Âu là một sai lầm: Tâm sự của vị bác sĩ dành cả năm trời đến được miền đất hứa, để rồi vỡ mộng vì điều kiện không dành cho con người - Ảnh 6.

Chính sách mới của Hy Lạp sau đó đã tạo áp lực cho người Thổ. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết những di dân đến Hy Lạp giờ đây sẽ được xem là "những người di cư vì kinh tế, chứ không phải người tị nạn". Chính sách này nói cách khác đã tước đi nhiều quyền lợi của các di dân. Nhưng dẫu có bị xem là gì, thực tế cho thấy những người di cư tại Hy Lạp đã phải sống trong tình cảnh hết sức thê thảm. Nhà của họ là những túp lều hoặc các thùng container cũ, xung quanh là rác rến và kênh nước thải bốc mùi hôi thối.

Phe ủng hộ cho biết Hy Lạp đã có nhiều thời gian để cải thiện các khu trại này, nhưng họ không làm thế, nhằm ngăn chặn người di cư tiếp tục đến đây. Dẫu vậy, làn sóng người nhập cư tiếp tục gia tăng. Theo thống kê từ chính phủ, 31.000 người di cư đang ở trong những khu nhà được thiết kế vốn chỉ dành cho 6.000 người. Tháng 9/2019, tại khu trại đảo lớn nhất Hy Lạp là Moria (vốn là doanh trại quân đội), một vụ hỏa hoạn đã tước đi sinh mạng của người phụ nữ đến từ Afhanistan, để rồi dẫn đến bạo loạn thảm khốc. "Địa ngục Moria" - khẩu hiệu này được treo khắp nơi.

Đến châu Âu là một sai lầm: Tâm sự của vị bác sĩ dành cả năm trời đến được miền đất hứa, để rồi vỡ mộng vì điều kiện không dành cho con người - Ảnh 7.

Hỗn loạn tại trại Moria


Đến châu Âu là một sai lầm: Tâm sự của vị bác sĩ dành cả năm trời đến được miền đất hứa, để rồi vỡ mộng vì điều kiện không dành cho con người - Ảnh 8.
Đến châu Âu là một sai lầm: Tâm sự của vị bác sĩ dành cả năm trời đến được miền đất hứa, để rồi vỡ mộng vì điều kiện không dành cho con người - Ảnh 9.

Và những người không thể trở về

Tại Moria và nhiều khu trại khác, IOM đang cố gắng tuyên truyền về khả năng trở về cho các di dân. Tuy nhiên nếu chiếu theo văn bản, rất nhiều trường hợp không thể áp dụng vào chương trình này.

Đó là những người đến từ Syria, Palestine, Yemen... và những vùng lãnh thổ đang xảy ra bạo lực vũ trang nguy hiểm. Tại Hy Lạp, di dân từ các khu vực này luôn được cấp quyền tị nạn. Chỉ có người từ Afghanistan, Iraq và Pakistan là nóng lòng về quê hương. Họ xếp thành một hàng dài trước trụ sở của IOM mỗi sáng để đăng ký.

Trong lúc chờ đợi giấy tờ được hoàn tất, những người không còn tiền sẽ được phép ở trong các khu trú ẩn giữa trung tâm Athens. Đây là các cơ sở do IOM vận hành, với cơ sở vật chất tốt hơn so với trại tị nạn.

"Sẽ là một ngày dài đấy," - Kamal Mahmood nói với các con của mình vào buổi sáng trước khi rời châu Âu. Họ đến sân bay Athens với 4 chiếc túi, 2 chiếc vali sờn rách, một chiếc xe kéo và túi đựng các thứ lỉnh kỉnh khác.

Trong lúc đợi làm thủ tục, Chrakhan Mahmood - cô con gái 19 tuổi lướt Facebook và nhìn thấy cảnh chiến tranh tại Syria, ngay trên biên giới với Iraq. Cô gái trẻ dừng lại ở một tấm hình với nhiều thi thể trong đó.

Kamal Mahmood lại trầm tư. Anh không nghĩ chiến tranh sẽ lan đến khu vực nơi anh sẽ trở về, nhưng chẳng biết mọi chuyện sẽ như thế nào, vì đó là một khả năng có thể xảy ra. Lũ trẻ nhà anh sẽ ra sao? Liệu anh có thể tiếp tục làm công việc cũ?

"Nếu có thể làm được điều gì đó cho bọn trẻ ở đây, tôi sẽ ở lại. Nhưng tôi đã không thể, nên có lẽ trở lại thì tốt hơn."

Tham khảo: Washington Post

Theo J,D

Helino

Trở lên trên