Đến Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng trọng bằng cấp như bao ông bố bà mẹ khác, đây là lí do tại sao
Có bằng đại học không đảm bảo bạn có cuộc sống dễ chịu. Nhưng tấm bằng là lợi thế cạnh tranh. Sau khi đi học bạn sẽ tiếp xúc những suy nghĩ khác, cách nhìn khác, rõ ràng có lợi thế hơn.
- 06-09-20162 năm trước GS Ngô Bảo Châu dạy học trên nền đất, 2 năm sau nơi ấy đã là lớp học khang trang
- 12-08-2016GS Ngô Bảo Châu: Sách ở bên tôi trong những biến cố cuộc đời
- 13-05-2016Giáo sư Ngô Bảo Châu khen biển quảng cáo đồng bộ trên đường Lê Trọng Tấn gọn gàng và có năng lượng
Những năm gần đây, "khởi nghiệp" có lẽ là từ khóa hot với nhiều người trẻ. Bông hồng đẹp khởi nghiệp khiến không ít bạn trẻ sẵn sàng bỏ học, gác tấm bằng đại học lập nghiệp nhưng không ít người ngậm ngùi khi chạm phải gai nhọn. Nhiều người dễ dàng phủ nhận vai trò của việc học đại học trong làn sóng kinh doanh tự khẳng định bản thân đang bùng nổ. Liệu tấm bằng đại học có còn giá trị trong bối cảnh thực tế có tới gần 200.000 cử nhân, thạc sỹ ra trường thất nghiệp, bằng cấp được xếp ở đáy tủ?
Chuyện học tập, bằng cấp được chính giáo sư Ngô Bảo Châu và cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam mổ xẻ trong buổi giao lưu trực tuyến do báo Vnexpress tổ chức.
Đã có gan bỏ qua bậc đại học thì chắc chắn phải có gan để tồn tại
Đây là câu trả lời của giáo sư Ngô Bảo Châu khi với câu hỏi tại sao nhiều công ty đòi hỏi rất nhiều bằng cấp từ tiếng Anh, tin học thì những người không có bằng thì phải làm sao. "Những người đã có gan bỏ qua bậc đại học thì cũng chắc chắn phải có gan để tồn tại, khởi nghiệp mà không cần các nhà tuyển dụng. Trong doanh nghiệp lớn dựa vào tiêu chí nhưng trong doanh nghiệp nhỏ đối diện với con người nhiều hơn, họ có khả năng thể hiện tố chất nhiều hơn.", giáo sư nhấn mạnh.
Tố chất mà giáo sư Ngô Bảo Châu nhắc tới đến từ những tấm gương bỏ học như Bill Gates, Mark Zuckerberg hay những người bạn mà ông biết rất thành công trong kinh doanh cũng như nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Những tố chất đặc biệt này giúp họ vượt qua được lợi thế cạnh tranh của bằng đại học.
Quay trở lại với tấm gương Bill Gates và Mark Zuckerberg, những điểm chung của họ là gì? Không khó để tìm ra được những sở thích chung giữa họ như đọc sách, thích làm từ thiện, đều đam mê lập trình,.. Đây đều là những thứ bề nổi, điểm chung tạo nên dấu ấn của hai tỷ phú này chính là khả năng tự học, tầm nhìn, đam mê và kiên định với những thứ mình theo đuổi.
Liệu Bill Gates, Mark Zuckerberg có thực sự bỏ học đại học? Thực tế là không hoàn toàn, trước khi bỏ họ cũng đã học đủ số môn mình cần, họ chỉ không có bằng mà thôi. Nếu bạn chưa tin có thể đọc thêm số liệu sau thống kê của Forbes sau: Trong số 400 người tự lập nghiệp giàu nhất thì chỉ có 63 cá nhân từ bỏ đại học hoặc những trường học cao hơn. Mặc dù vậy, 337 người còn lại có ít nhất 1 bằng đại học và trong số 63 người bỏ học nêu trên, đa phần họ đều tham gia học những trường có tiếng sau đó từ bỏ.
Điều này cũng khẳng định câu nói của giáo sư Ngô Bảo Châu rằng: "Nếu bạn tự tin mình có thể khởi nghiệp nhưng tôi nghĩ đây không phải là sự lựa chọn cho quá nhiều người."
Trong đời sống cần có một tấm bằng?
Khi được hỏi làm sao thay đổi được tâm lý bằng cấp của người Việt, giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng điều này là không: "Tâm lý của cha mẹ học sinh muốn cho con mình học cao hơn, có bằng cấp là tốt, cái này không cần thay đổi. Cá nhân tôi cũng muốn con học cao hơn, có bằng cấp hơn. Điều cần thay đổi là một số quy định nhà nước. Ví dụ cán bộ cấp sở cần có bằng thạc sĩ. Còn tâm lý của người dân không cần thay đổi, muốn con mình học cao là bình thường."
Xuyên suốt trong buổi trò chuyện có thể thấy quan điểm của giáo sư không quá coi trọng bằng cấp nhưng tấm bằng đại học theo ông là lợi thế cạnh tranh không nhỏ để mở các cánh cửa khác nhau. Tuy nhiên để thành công trong sự nghiệp của mình lại là chuyện khác hẳn.
Việc khuyến khích học đại học theo giáo sư Châu là rất cần thiết nhưng vấn đề ở đây là học cái gì học ở đâu. Điều quan trọng là trước khi vào đại học các em học sinh cần suy nghĩ chín chắn hơn về lựa chọn của mình.
Về phía cơ quan quản lý giáo sư cũng cho rằng cần cung cấp thông tin về ngành học, về phần tìm được việc làm đầu ra để các bạn trẻ và gia đình của họ có cơ sở trong việc lựa chọn ngành nghề. Có bằng đại học không đảm bảo bạn có cuộc sống dễ chịu. Nhưng tấm bằng là lợi thế cạnh tranh. Sau khi đi học bạn sẽ tiếp xúc những suy nghĩ khác, cách nhìn khác, rõ ràng có lợi thế hơn. Trường đại học là 1 cơ hội giúp bạn chuẩn bị cho cuộc sống sản xuất, kinh tế hiện đại.
Nói thế không có nghĩa có một tấm bằng đại học là bạn đã xong việc học. Theo quan điểm của giáo sư Ngô Bảo Châu: "Học là quá trình tự nhiên của con người và là phương pháp duy nhất để hoàn thiện bản thân mình. Và hoàn thiện bản thân luôn là tôn chỉ, mục đích của cuộc sống. Trong học có học về kiến thức và học về thay đổi suy nghĩ, nhân sinh quan của mình". Những người thành công trên thế giới bạn có thể thấy đều không bao giờ ngừng việc tự học của bản thân.
Câu hỏi đặt ra là nếu bạn đã bỏ học để khởi nghiệp và thất bại liệu có nên quay lại đi học hay đổi định hướng khác? Liệu có nên làm lại từ đầu? Câu trả lời là có tuy nhiên hãy cũng không nên ảo tưởng thay đổi cuộc sống của mình triệt để là đơn giản.
Là những người từng trải, nhiều kinh nghiệm, Giáo sư Ngô Bảo Châu và cựu CEO FPT đều thừa nhận rằng: Lựa chọn thứ 2 bao giờ giá cũng đắt hơn lựa chọn thứ 1. Bạn cần cân nhắc có sẵn sàng trả giá đó hay không.
Trí thức trẻ