Đến khi nào bạn cần giải phóng và cho con quyền tự quyết khỏi các lớp học "nhồi bông"?
Đàn ca, sáo nhị, piano, bóng đá… theo xu hướng hiện nay, đa phần các bậc phụ huynh đều đăng kí cho con cái tham gia vào các khóa học năng khiếu kể trên. Nhưng bố mẹ có nên thay đổi tư duy, “giải phóng” con khỏi các lớp học và trao cho trẻ quyền tự quyết?
Hiện nay, nhiều phụ huynh không chỉ muốn con em học văn hóa mà còn muốn đăng ký cho trẻ tham gia nhiều bộ môn năng khiếu khác. Không có gì ngạc nhiên khi nhận thấy bọn trẻ đang phải “trầy trật tiêu hóa” một cuộc sống quá tải. Điều này đặt ra câu hỏi cho các bậc làm cha mẹ: Có nên thay đổi tư duy, cho con cơ hội được “bỏ cuộc”, dạy chúng học cách tự quyết định?
“Giải phóng” cho con khỏi các lớp học có vẻ như không phải là một thái độ tích cực. Tuy nhiên, trong cuộc sống quá tải ngày nay, sự lựa chọn đó là khôn ngoan và tốt cho sức khỏe của cả gia đình.
Giả định rằng, cậu nhóc nhà bạn ghét học sáo. Cậu bé không bao giờ muốn đặt chân đến lớp học nhạc cụ này. Về phía mình, bạn là một phụ huynh có tinh thần “thép”. Bạn sẽ kết hợp mọi phương pháp như nịnh bợ, dụ dỗ, thậm chí đe dọa để khiến cậu bé chơi sáo mỗi ngày. Mưa dần thấm lâu, con bạn dần trở thành một tay chơi sáo điêu luyện và tham gia vào ban nhạc. Nhiều năm sau hồi tưởng lại thời niên thiếu, bạn sẽ làm gì khi con trai thì thầm: “Con muốn thoát ra khỏi lớp học này”.
Bạn cần lắng nghe và tôn trọng sở thích, nhu cầu của con trẻ.
“Giải phóng” cho con không phải là một khái niệm phù hợp với mọi gia đình. Sẽ chẳng có gì đáng bàn khi phụ huynh hiểu vấn đề, chú trọng thành quả thu được và quá trình rèn luyện nghiêm túc chứ không phải “vùi” đứa trẻ trong hết giờ học này đến giờ học khác. “Đắm chìm” trong các khóa học khiến bọn trẻ trở nên căm ghét chính bố mẹ và trường lớp.
Cho con được phép từ bỏ là một cách giúp trẻ có những bài học giá trị nhất trong thời thơ ấu. “Đóng cánh cửa này, cánh cửa khác sẽ mở ra”, sở thích, sự tập trung, niêm đam mê thực sự của các con sẽ trỗi dậy một cách tự nhiên nhất. Đứa trẻ sẽ có cơ hội tự đưa ra các quyết định mà không lo sợ rủi ro bởi cuộc sống khi ấy chính là “học là chơi mà chơi là học”. Dù quyết định sai hay đúng, chúng cũng sẽ tự rút ra được bài học cho bản thân và vững vàng hơn khi bước vào “thế giới mới”. Thêm vào đó, áp lực, sự căng thẳng trong gia đình cũng giảm đáng kể.
Suniya Luthar, giáo sư tâm lí học tại Đại học bang Arizona cho biết: “Cho con tự học cách quyết định là việc làm khó khăn với bọn trẻ nhưng điều này đối với cha mẹ còn khó khăn hơn gấp bội”.
Các chuyên gia đồng ý rằng, hầu hết các em trong độ tuổi tiểu học nên tiếp xúc với nhiều loại hình hoạt động và phụ huynh nên khuyến khích các con theo đuổi bộ môn nào đó. Khi chúng lớn lên, bọn trẻ sẽ ý thức rõ hơn đâu là sở thích thực sự.
Amy Lee là một chuyên gia tư vấn có văn phòng San Francisco và là mẹ của 3 đứa con gái. Khi con gái lên 4, cô đăng kí cho con tham gia học piano, nhảy, tennis, bóng đá và nghệ thuật. Cô đứng trên lập trường rằng cô là mẹ, vì thế, có quyền quyết định. Cô Lee cho biết, con gái cô mất 6 tháng để thử khởi động chương trình học. Việc thôi học cũng đã xảy ra, nhưng mọi thứ được kiểm soát. Quá trình dừng lại này mất một năm, đi kèm với đó là sự thỏa thuận về chế độ thư giãn, nghỉ ngơi cho con. Ví dụ như, trong tuần, đứa trẻ được phép luyện tập ít hơn nhưng phải đảm không bỏ buổi học kế tiếp nào. Phát hiện ra mong muốn, nguyện vọng của con cái chính là chìa khóa thành công.
Cha mẹ cần nhớ, tùy vào từng trường hợp mà cân nhắc sự được, mất trong từng tình huống: “Đối với những đứa trẻ sống quá cầu toàn, việc giải phóng chúng khỏi các lớp học “thú nhồi” sẽ giúp chúng linh hoạt hơn”.