MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến lượt Quảng Ngãi lăm le "nhận chìm vật chất"

14-09-2018 - 07:06 AM | Xã hội

Nhà đầu tư cho biết đã tính đến nhiều phương án xử lý 15,5 triệu m3 vật chất nạo vét nhưng đều gặp khó

Ngày 13-9, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết vừa có công văn gửi Thủ tướng xin cấp phép nhận chìm vật chất ở biển và giao khu vực biển cho dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (tại Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi).

Hết cách mới xin nhận chìm?

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đang triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất trên cơ sở chủ trương đầu tư được Thủ tướng chấp thuận vào tháng 5-2017. Trong đó, cảng chuyên dùng Hòa Phát Dung Quất được cho là hạng mục quan trọng thuộc tổng thể dự án. Thiết kế bản vẽ thi công cảng đã được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định.

Đến lượt Quảng Ngãi lăm le nhận chìm vật chất - Ảnh 1.

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đang gấp rút thi công, trong đó có phần cảng chuyên dụng

Theo báo cáo của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, khối lượng vật chất nạo vét để xử lý tại khu vực bến cảng, vũng quay tàu và luồng tàu là khoảng 15,5 triệu m3. "Tuy nhiên, nhà đầu tư đang gặp khó trong việc đưa vào bờ để tích trữ tạm thời, cũng như chưa tìm được đối tác trong nước có nhu cầu sử dụng cát nạo vét để san lấp mặt bằng. Trong khi đó, việc xuất khẩu vật chất nạo vét (cát) cũng gặp nhiều khó khăn do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng xuất khẩu mọi loại cát" - công văn do ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ký nêu rõ

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy tiến độ của dự án và trên cơ sở đề nghị của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) hỗ trợ, đẩy nhanh việc phê duyệt hồ sơ đề xuất nhận chìm vật chất nạo vét và đôn đốc tham mưu trình Thủ tướng giao khu vực biển cho dự án.

Vị trí nhận chìm 15,5 triệu m3 vật chất được UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất giới hạn bởi các đoạn thẳng nối các điểm KT1, KT2; KT3 và KT4 thuộc khu vực biển Khu Kinh tế Dung Quất.

"Đã thông qua ĐTM"

Cũng tại văn bản nêu trên, ông Trần Ngọc Căng cho biết ngày 9-8, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi Bộ TN-MT thể hiện rõ quan điểm và đề xuất phương án nhận chìm ở biển đối với vật chất nạo vét trong quá trình thi công dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

"Nhà đầu tư này đã hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án, có bổ sung nội dung nhận chìm vật chất nạo vét. Báo cáo ĐTM này đã được Hội đồng Thẩm định của Bộ TN-MT thông qua. Nhà đầu tư đã cùng tư vấn tiếp thu ý kiến của các bộ, tính toán bổ sung các biện pháp bảo vệ môi trường, chỉnh sửa theo ý kiến đóng góp của Hội đồng Thẩm định và đã hoàn thành hồ sơ trình Bộ TN-MT" - ông Căng nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Trần Văn Quang, Trưởng Khoa Môi trường Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cho rằng cần phải xem xét thật kỹ việc kiến nghị cho phép nhận chìm 15,5 triệu m3 vật chất này.

"Quảng Ngãi lấy lý do ĐTM của nhà đầu tư đã được thông qua nhưng thực tế, ĐTM của một số dự án không đúng với thực tế. Điển hình, ĐTM ở nhà máy rác Nghĩa Kỳ (tỉnh Quảng Ngãi), vốn đang bị người dân phản đối cũng không đúng so với thực tế. Còn việc nhận chìm 15,5 triệu m3 vật chất là khối lượng cực kỳ lớn, nếu không xem xét kỹ sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh" - PGS-TS Quang lo ngại.

Theo PGS-TS Trần Văn Quang, nhiều nước phát triển muốn nhận chìm chất nạo vét phải quy hoạch không gian. Chỉ những nơi không gian được cấp phép mới được nhận chìm và phải được kiểm tra cẩn thận chất thải như thế nào, có nguy hại hay không, sau đó họ đúc các khung bê-tông mới đổ xuống… Còn ở Việt Nam, việc nhận chìm chất nạo vét hầu như chỉ đem ra biển đổ, không được đánh giá, kiểm tra cụ thể… Ngay cả việc cấp phép nhận chìm cũng có rất nhiều sơ hở, không được tính toán bài bản.

Phó chánh văn phòng UBND tỉnh "không rõ" vụ việc

Để tìm hiểu rõ hơn câu chuyện cũng như quan điểm của UBND tỉnh Quảng Ngãi về vụ việc, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh Văn phòng - người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhưng được trả lời "không rõ".

Ông Việt cho biết "không theo dõi lĩnh vực này" và đề nghị phóng viên "hỏi các sở chuyên ngành", cũng như không biết chủ tịch UBND tỉnh ký công văn nêu trên. Còn việc trên cổng thông tin điện tử của tỉnh vì sao gỡ công văn, ông cũng nói "không rõ".

Bài và ảnh: Tử Trực

Theo Tử Trực

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên