MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến lượt tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng rơi vào vòng xoáy thiếu chip

30-03-2021 - 15:49 PM | Thị trường

Các hãng sản xuất thiết bị gia dụng đang phải đối mặt với khó khăn lớn do tình trạng thiếu chip, thiếu linh kiện trên diện rộng.

Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu đã khiến nhiều hãng xe hơi phải dừng dây chuyền sản xuất, các tín đồ PlayStation đợi chờ mòn mỏi không mua được máy chơi game PlayStation 5. Giờ đây, đến lượt các hãng sản xuất thiết bị gia dụng gặp khó trong việc đáp ứng nhu cầu người dùng, theo thông tin từ Chủ tịch của Whirlpool Corp tại Trung Quốc.

Hãng sản xuất có trụ sở tại Mỹ, một trong những nhà sản xuất hàng gia dụng (white good) lớn nhất thế giới cho biết tình trạng thiếu chip gây ảnh hưởng đến khoảng 10% đơn hàng của họ trong tháng 3. "Đó là một cơn bão", Jason Ai nói với Reuters bên lề Triển lãm Thiết bị điện tử và gia dụng thế giới tổ chức tại Thượng Hải.

Đến lượt tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng rơi vào vòng xoáy thiếu chip - Ảnh 1.

"Một mặt, chúng tôi phải đáp ứng nhu cầu trong nước cho các sản phẩm gia dụng. Mặt khác, chúng tôi đối mặt với các đơn hàng bùng nổ từ nước ngoài".

Công ty này đang phải vật lộn để đảm bảo sản xuất đủ các bộ vi điều khiển – bộ xử lý đơn giản cung cấp năng lượng cho một nửa số sản phẩm của họ bao gồm lò vi sóng, tủ lạnh, máy giặt.

Cơn khủng hoảng chip nghiêm trọng bắt đầu diễn ra từ cuối tháng 12/2020, một phần do các nhà sản xuất ô tô tính toán sai nhu cầu về nhu cầu thị trường, phần khác do doanh số tăng đột biến của các dòng điện thoại, máy tính xách tay trong suốt giai đoạn đại dịch bùng phát.

Nó buộc các nhà sản xuất ô tô, bao gồm General Motors phải cắt giảm sản lượng và đẩy chi phí sản xuất của các hãng điện thoại thông minh như Xiaomi lên cao. Tình trạng thiếu hụt ban đầu khiến một số công ty sử dụng chip hoảng sợ, sau đó mua số lượng lớn để tích kho dự trữ. Từ đó, tình trạng thiếu hụt càng lan rộng. Không chỉ Whirlpool, nhiều nhà sản xuất thiết bị gia dụng khác cũng gặp vấn đề tương tự.

Hangzhou Robam Appliances – một nhà sản xuất thiết bị gia dụng Trung Quốc với hơn 26.000 nhân viên đã phải hoãn ra mắt loại bếp thông hơi cao cấp tới tháng 4 vì không có đủ bộ vi điều khiển.

"Hầu hết sản phẩm của chúng tôi được tối ưu cho việc sử dụng trong nhà thông minh. Do đó, chúng tôi cần rất nhiều chip", Dan Ye – Giám đốc marketing của Robam nói. Ông cũng tiết lộ công ty đang tìm nguồn cung chip từ Trung Quốc dễ dàng hơn so với từ nước ngoài và đang cân nhắc việc thay đổi các nhà cung cấp. "Loại chip chúng tôi sử dụng không phải loại cao cấp. Các nhà sản xuất chip nội địa có thể đáp ứng tốt nhu cầu".

Đến lượt tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng rơi vào vòng xoáy thiếu chip - Ảnh 2.

Việc sản xuất gặp khó, tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất thiết bị gia dụng cũng bị siết lại. Robin Rao – Giám đốc bộ phận kế hoạch của công ty Sichuan Chanhong Electric (Trung Quốc) cho biết chu kỳ thay thế cho các thiết bị gia dụng đang kéo dài hơn, thị trường bất động sản chậm lại cùng với cạnh tranh gay gắt trong ngành đã khiến biên lợi nhuận thấp đi. "Giờ đến lượt linh kiện và chip đều tăng giá, chi phí cho chuỗi cung của chúng tôi lại tiếp tục tăng lên".

Để đối phó với tình trạng thiếu bộ vi xử lý và chip nhớ flash, Dreame Tecnology – thương hiệu máy hút bụi do Xiaomi hỗ trợ vốn – đã cắt giảm ngân sách tiếp thị đồng thời thuê thêm nhân viên chỉ để quản lý mối quan hệ với các nhà cung cấp.

Dreame đã chi "Vài triệu nhân dân tệ" để thử nghiệm các loại chip dùng để thay thế các mẫu chip họ vẫn thường dùng, Frank Wang – Giám đốc marketing của Dreame cho biết. "Chúng tôi đang nỗ lực để kiểm soát cá nhà cung cấp tốt hơn, thậm chí tìm cách đầu tư vào một số nhà cung cấp", ông này nói.

Tham khảo nguồn: Reuters

Đức Nam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên