Đến tận làng trồng mùi già nghe kể về tục tắm đêm 30 của người Hà Nội để “lấy thơm” cho năm mới là như thế nào
Trồng mùi phải chờ mất 3 tháng, đến khi thu hoạch cũng chỉ bán từng bó nhỏ chơi chơi mà chẳng hiểu sao nông dân ở làng nhà nào cũng vẫn trồng mùi bao nhiêu năm như vậy.
- 11-02-2021Gia đình nghèo bậc nhất thế giới, mỗi ngày đều phải nhặt thức ăn thừa ngoài chợ không ngờ có ngày trở thành tỷ phú: Tất cả nhờ vào biết cách dạy con
- 10-02-2021Tiền dùng đúng, tiền hiền như Phật; bạc sai lầm, bạc ác hơn ma: Quản lý tốt tài chính để tạm biệt nỗi lo “cháy túi”, tránh xa vòng xoáy tiền bạc với quy tắc 50/30/20
- 10-02-2021Không phải "an khang thịnh vượng" hay "vạn sự như ý", đây mới là câu người Mông Cổ chúc nhau mỗi dịp Tết đến
Nếu có ai đó hỏi tôi Tết ở Hà Nội có gì thì chắc là cả trăm năm sau tôi vẫn trả lời là ngoài đồ ăn ngon thì ấn tượng lớn nhất là sự vắng vẻ, thanh tịch được gói đượm trong những vạt nắng xuân ngào ngạt của tháng Giêng. Những ngày Tết đó, Hà Nội không còn tiếng còi xe xô bồ, không còn cảnh bon chen tắc đường mà khi bước xuống phố, vào chiều 30 cuối năm, hương Tết tỏa ra từ khắp mọi nhà. Nơi đó là mùi hương trầm, mùi cam canh bưởi diễn, mùi hoa ly hoa lan… và còn một mùi nữa chẳng gặp ở đâu khác được là hương của cây mùi già.
Người Hà Nội xưa giờ vẫn có tục lệ đun nước cây mùi già vào ngày 30 Tết để tắm táp coi như là cách gột sạch bụi bẩn của cả năm qua và nghênh đón năm mới với tâm thế hào sảng nhất. Vì đó, đến hẹn lại lên, cứ vào phiên chợ sáng của những ngày cuối năm, từng xe mùi già lại theo bước người nông dân từ ngoại thành vào thủ đô để ướp hương từng con phố nhỏ.
Những bó cây mùi già luôn là điểm đặc trưng của chợ Tết Hà Nội, những bà nội trợ coi mùi già chính là mùi hương Tết.
Người miền Bắc gọi là mùi nhưng trong Nam thì gọi là ngò rí, công dụng thân thuộc nhất của mùi là ăn sống như một loại rau gia vị thì rất ngon. Tuy nhiên, với người Hà Nội, mùi già còn có tác dụng đặc biệt như kể trên mà ít nơi nào khác có được.
Mùi già ở thủ đô thì thân thuộc quá nhưng cây được trồng ở đâu thì ai cũng chỉ tỏ sơ sơ là khu ngoại thành. Vào một chiều cuối năm, trong lúc bâng quơ lái xe đi thăm thú mua cành đào Tết, tôi lại đi lạc lên một con đê, khi xuống dốc tôi bắt gặp một cánh đồng lác đác những thửa ruộng trồng loại cây hoa trắng li ti. Đỗ chiếc xe tiến lại gần, nhìn kỹ mới thấy chính là cây mùi già vẫn được bán nhiều trên phố. Hỏi ra, tôi mới biết hóa ra làng Hoạch An ở xã Kim An, huyện Thanh Oai này chính là vựa mùi già lớn nhất chuyên cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Ruộng mùi già ở Hoạch An, Kim An, Thanh Oai, Hà Nội.
Phần nhiều trong những cây mùi bán trên phố Hà Nội đều có nguồn gốc từ đây.
Chỉ có mùi, hành, răm trồng ở Hoạch An mới đậm vị, đậm hương
Lững thững đi tìm một mảnh vườn nào đó để hỏi thăm rõ hơn thì tôi nhanh chóng gặp được nhà cô Mai, chú Tiếp đang cắt mùi, bó mùi để ngày mai mang ra chợ Hà Đông bán. Ngó vào hỏi mua mùi, cô chú bảo từ Hà Nội về à, vào đây mà mua nhưng phải đeo khẩu trang vào nhé! Thế là tôi đi vào.
Luống mùi nhà cô Mai đẹp lắm, trồng thẳng tăm tắp rợp cả hoa lẫn quả nổi trội hơn hẳn so với những luống rau bên cạnh. Trời chiều mùa đông man mác vệt nắng yếu ớt, nhìn những thân cây mùi vẫn còn nhiều hoa trắng bay phất phơ trong gió lại khiến tâm trạng tôi trùng xuống, thấy có gì đó xuyến xao là lạ. Đang miên man suy nghĩ thì cô Mai ngắt ngang mạch cảm xúc bằng câu hỏi: “Cháu mua bao nhiêu mùi?”. Tôi đáp hài hước: “Đủ để tắm táp sạch sẽ thơm tho cho cả họ thôi cô ơi”. Cô Mai cười phá lên, tiếng như vang cả một góc cánh đồng rộng lớn.
Nhà cô Mai, chú Tiếp đang thu hoạch mùi mang đi bán.
Nhà cô đã trồng mùi từ rất nhiều năm nay.
Thế rồi tôi ngỏ ý thêm muốn chụp ảnh để viết một bài nho nhỏ về làng trồng mùi của cô Mai. Ban đầu cô ngại lên báo nhưng sau thì cũng xuôi xuôi và bắt đầu bằng câu chuyện từ thời cha ông đã trồng cây mùi, đến đời cô thì cứ răm rắp theo lệ làng.
“Mùi ở làng là giống mùi ta, thân cây trắng mà quả rất tròn trịa và thơm chứ không như nhiều giống mùi mới, cây thì to, lá như lá cần tây mà lại không có tí hương nào. Cô làm mùi từ bé, cứ mỗi cuối năm hương mùi lại ngập khắp làng thơm lắm.
Đất làng cô chuyên trồng hành, răm, mùi để bán vụ đông đây này. Chắc là vì chất đất phù sa nên cây nào trồng lên cũng đậm mùi, đậm vị lắm, không lẫn đi đâu được”.
Chỉ có cây mùi ở làng Hoạch An mới cho hương thơm đậm đá khó quên trong ngày Tết.
Nói rồi cô Mai thoăn thoắt cắt từng cây mùi, hết cô cắt thì lại đến lượt chú còn cô thì ngồi trên bờ bó từng bó nhỏ tí xíu rồi gom vào một ôm lớn. Cô bảo là phải bó nhỏ như thế này vì có nhà không dùng nhiều sẽ mua lẻ ra. Mà cũng đúng vậy thật, mùi già đâu cần nhiều, mỗi nồi nước chỉ khoảng 3 – 4 nắm con con là đủ cho tất cả thành viên trong gia đình ướp hương rồi.
Khi đun cây mùi nóng lên thì hương mùi quyền năng lắm, theo làn khói bay rất xa. Càng đun lâu, tinh chất từ cây mùi già tiết ra càng nhiều và đậm đặc. Chiều cuối năm, hương mùi hòa quyện với hương gió thì chưa cần tắm vội, chỉ ngửi hơi cũng thấy được xua tan đi bao mệt nhọc, tự nhiên ai nấy cũng cảm thấy mình phải chậm hẳn đôi chân, đôi tay lại để mà tận hưởng nó.
Với cây mùi già, chỉ cần đứng từ xa là đã có thể ngửi thấy mùi thơm nức.
Bán mùi lời lãi chẳng đáng là bao nhưng không trồng thì lại thấy nhớ
Thông thường, những người nông dân ở làng Hoạch An sẽ bắt đầu trồng mùi vào khoảng tháng 9 Âm lịch. Họ gieo những hạt mùi giống xuống đất rồi chờ 1 tháng cho hạt nảy mầm lên cây. Lúc này, họ mới tỉa bớt cây mùi non mang ra chợ bán cho nhà nào ăn rau sống, phần còn lại sẽ nuôi để già. Trong luống già họ cũng không thu hoạch hết mang đi bán mà luôn chừa lại một phần nhỏ làm giống cho vụ sau. Cứ như thế, giống mùi ta thơm nức mũi này tồn tại trên đất ruộng từ năm này sang năm khác.
Cây mùi coi mỏng manh vậy mà chuẩn như kim đồng hồ bởi không thể sớm hơn mà cứ phải tầm ngày 26, 27 Tết thì mới chín già quả và cho mùi hương đượm nhất. Nếu cắt sớm hơn thì quả còn xanh và nhiều hoa đun nước sẽ bị vẩn đục. Do đó, bà con thường phải chờ đến đúng ngày mới cắt và bán rải rác cho đến tận 30 Tết là vừa xong một mùa.
Cần khoảng 3 tháng để cây mùi phát triển và quả thì già đi.
Buổi sáng, cả nhà sẽ ra đồng cắt mùi, có hộ thì nhổ nguyên cả rễ rồi mang về nhà bó thành từng bó nhỏ vào buổi chiều. Qua một đêm, đến sáng hôm sau là từng xe mùi sẽ nối đuôi nhau tỏa vào trong phố phường Hà Nội. Có người bán ở chợ Hà Đông, có người mang lên phố cổ và mấy quận khác. Bán xong, họ đi về và lại tiếp tục ra đồng chuẩn bị cho buổi chợ ngày mai. Cứ như vậy, cuộc sống bao nhiêu năm của nông dân làng Hoạch An vào những ngày cuối năm ngoài bán rau vụ đông như xà lách, xu hào, bắp cải thì còn bận bịu với những luống mùi.
Dù tiền thu về từ đây không thấm là bao vì mỗi cân mùi chỉ có giá khoảng 20 ngàn đồng nhưng trồng mùi nó như một cái thú, cái cảm giác thân quen mà nếu bỏ thì sẽ thấy thiếu thốn, bứt rứt trong lòng. Cũng có vài năm cô Mai bỏ bẵng vì thấy bán mùi chẳng lãi lời gì mấy nhưng mà rồi nhớ cây quá nên lại trồng.
“Cô nhớ một năm nhà trồng nhiều mùi lắm, có công ty ở đâu về thu mua làm dược liệu với lại tinh dầu. Họ đặt trước tiền rồi đến mùa thì về cắt cây mang đi. Năm đó cô lãi hơn một tí vì không phải chở đi chợ bán nhưng mà lúc cầm tiền xong thì cứ thấy cảm giác khó tả lắm. Chắc có lẽ cô quen mang bán cho người ta từng bó nhỏ một rồi, ai cũng xuýt xoa khen mùi nhà cô thơm nên cô thích lắm. Năm sau và cả nhiều năm sau nữa cô vẫn trồng mùi, cháu thích thì lại về gặp cô”, cô Mai nhiệt thành chia sẻ.
Thực sự nông dân Hoạch An chỉ bán mùi vì thói quen chứ nếu vì đồng tiền lãi thì chắc là đã bỏ nghề từ lâu rồi.
Với những người thường xuyên mua mùi về tắm chiều cuối năm, cứ thấy hương mùi thì coi như là đã cảm nhận Tết cận kề. Mà cũng không hiểu tại sao, hương mùi già chỉ là một nốt trầm rất nhỏ trong mùa Tết nhưng mà nếu thiếu nó thì lại không còn là Tết của người Hà Nội nữa. Người ta nói đúng, mùi hương và âm thanh là 2 thứ lưu giữ ký ức tốt nhất, hương mùi già vẫn mãi ở đó, vẹn nguyên qua năm tháng nhờ đôi bàn tay gieo trồng, vun đắp của người nông dân dù tảo tần lấm lem nhưng luôn mong muốn mang những điều đẹp đẽ, thơm tho nhất đến với cuộc đời.
Nước mùi già khá dễ đun và sử dụng và nước mùi sẽ tốt hơn nết được nấu cùng với gừng và một chút muối trắng. Sau đây là các bước chuẩn bị để tắm mùi vào đêm 30 mà nhiều người Hà Nội vẫn đang làm mỗi năm.
Bước 1: Chuẩn bị: muối, gừng, 2 bó lá mùi già.
Bước 2: Rửa thật sạch lá mùi và gừng, đập dập gừng (không nên băm nhỏ mà chỉ nên đập dập)
Bước 3: Cuộn bó lá mùi lại sao cho gọn, vừa với nồi, cho gừng, đổ nước gần đầy và đun sôi.
Bước 4: Sau khi nước sôi, chắt nước lá mùi đã đun ra chậu, thêm một chút muối, hòa loãng với nước ấm rồi tắm.
Bước 5: Có thể tận dụng lá mùi đã đun để làm thơm nhà bằng cách đổ vào nồi một chút nước, đun lửa nhỏ (đủ để nước bốc hơi).
Pháp luật và bạn đọc