MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dẹp cà phê đường tàu: Đừng để tiếp tục “bắt cóc bỏ đĩa”

Dư luận hy vọng lần này cơ quan chức năng sẽ quyết liệt dẹp "cà phê đường tàu", không tiếp tục “bắt cóc bỏ đĩa” như nhiều lần ra quân trước.

Bộ GTVT vừa đề nghị TP Hà Nội thực hiện các biện pháp để ngăn chặn, giải tán các tụ điểm đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt.

Bộ GTVT cũng đề nghị Hà Nội chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt VN, TCT Đường sắt VN tiếp tục tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý, giải tỏa dứt điểm các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình đường sắt của các hộ dân hiện đang kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt, có hành vi họp chợ, buôn bán hàng trong lòng đường sắt.

Không phải đến bây giờ các cơ quan chủ quản đường sắt mới lên tiếng. Bởi, thực tế này đã diễn ra từ lâu, nhất là tại đoạn đường sắt khu vực đường ngang Trần Phú (Hà Nội) dẫn lên cầu đường sắt trên cao Phùng Hưng bỗng trở nên “hot” trong giới mê chụp ảnh, khách du lịch nước ngoài và người dân Hà Nội. Kéo theo đó là hàng loạt dịch vụ cửa hàng cà phê, fastfood và cả hàng rong. Người ta vô tư ngồi ăn uống sát đường ray; hào hứng đứng nép mình vào tường nhà dân để quay phim, chụp ảnh khi tàu chạy qua mà quên mất rằng, trong cảnh nhốn nháo đó, chỉ cần lơ là, sảy chân vấp ngã vào đường sắt, tai nạn sẽ xảy ra tức thì.

Trước nguy cơ trên, các đơn vị đường sắt đã nhiều lần kiến nghị các quận trên địa bàn xử lý dứt điểm. Các lực lượng chức năng, công an cũng nhiều lần kiểm tra, dẹp hàng quán, bàn ghế bày trên hành lang đường sắt nhưng cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Bởi, vẫn còn tồn tại những hàng quán này, vẫn còn khách đến ăn uống, vẫn còn khách “lang thang” quay phim, chụp ảnh, nguy cơ xảy ra tai nạn vẫn tiềm ẩn cao.

Không chỉ tại khu vực đường ngang Trần Phú, trên địa bàn Hà Nội còn tồn tại nhiều điểm người dân họp chợ, bày hàng quán trên đường sắt, trong hành lang ATGT đường sắt. Có thể “điểm danh”: Gần đường ngang Cổ Nhuế, dân họp chợ, bày bán cá, rau cỏ trong lòng đường sắt; người dân che bạt, bán quán nước sát đường sắt tại đường ngang lối vào Bệnh viện Bạch Mai…

Chính vì vậy, lần này, Bộ GTVT đề nghị UBND Hà Nội kiên quyết xử lý dứt điểm đối với các hành vi vi phạm TTATGT đường sắt; xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang ATGT đường sắt.

Hy vọng, lần này Hà Nội có nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn, đừng để tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” tiếp tục tái diễn.

Theo Kỳ Nam

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên