MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dẹp giấy phép con: Nói mãi mà chưa làm được bao nhiêu ​

Bộ Công Thương dẫn đầu về cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh.

Tổ công tác của Thủ tướng vừa có báo cáo tổng hợp ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và tình hình ban hành các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh .

Cụ thể, về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Bộ Công Thương là bộ đi đầu với 402 mặt hàng trên tổng số 702 mặt hàng được cắt giảm, đạt 57,3%. Bộ Thông tin và Truyền thông có 146 mặt hàng đã cắt giảm 89 mặt hàng. Tiếp đến là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cắt giảm 33 mặt hàng, Bộ Khoa học và Công nghệ cắt giảm 22 mặt hàng trên tổng số 24 mặt hàng. Bộ Xây dựng cắt giảm 39 mặt hàng trên tổng số 70 mặt hàng.

Theo đánh giá của Tổ công tác, hiện vẫn còn 832 danh mục, tương đương 8,7% dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản cụ thể thuộc trách nhiệm của 6 bộ gồm Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Công an.

Nhìn chung, tỉ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm kiểm tra chuyên ngành vẫn đạt thấp so với yêu cầu đặt ra và hiện đạt 15,1%.

Về điều kiện kinh doanh, Báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng cho thấy, hiện có 4 bộ đã chính thức cắt giảm được 900 điều kiện kinh doanh trên tổng số 5.905 điều kiện, gồm Bộ Công Thương xếp vị trí đầu với 675 điều kiện trong tổng số 1.216 điều kiện được cắt giảm, đạt 55,5%. Tiếp theo Bộ Xây dựng đã cắt 183 điều kiện trên tổng số 215 điều kiện kinh doanh.

Riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo hứa cắt giảm 110 điều kiện trên tổng số 212 điều kiện nhưng mới cắt giảm được 16 điều kiện, đạt 7,5%; Bộ Thông tin và Truyền thông hứa cắt giảm 199 trên tổng số 385 điều kiện kinh doanh nhưng đến nay mới cắt giảm 26 điều kiện, đạt 6,75%.

Từ các kết quả kể trên, Tổ công tác kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ tập trung, gấp rút hoàn thành các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh còn nợ đọng trình Chính phủ thông qua, hoặc ban hành theo thẩm quyền. Đồng thời chú ý việc soạn thảo trình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực trong thời gian tới để không phát sinh nợ đọng.

Theo Trà Phương

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên