MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dẹp loạn hay thu phí vỉa hè?

20-02-2023 - 07:21 AM | Xã hội

Nhiều lòng đường, vỉa hè tại TPHCM đang bị chiếm dụng để kinh doanh, làm bãi giữ xe, thu lợi trái phép, trong khi, công tác quản lý và xử lý vi phạm như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Bị chiếm lối dành riêng, người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường và đối mặt nguy cơ bị tai nạn giao thông.

Chiếm dụng tràn lan

Dẹp loạn hay thu phí vỉa hè? - Ảnh 1.

Vỉa hè đường An Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân bị chiếm dụng, đẩy người đi bộ xuống đường Ảnh H.H


Ghi nhận thực tế của phóng viên từ ngày 14-18/2 cho thấy nhiều tuyến đường ở trung tâm TPHCM có vỉa hè đang bị chiếm dụng để kinh doanh và làm nơi đỗ xe. Đoạn đường Tôn Đức Thắng (đoạn gần cầu Ba Son, phường Bến Nghé, quận 1) bị chiếm dụng gần hết vỉa hè để làm nơi kinh doanh nước giải khát. Một số đoạn vỉa hè ở các tuyến đường Hải Triều, Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng… (phường Bến Nghé, quận 1) cũng bị chiếm dụng để làm nơi kinh doanh và đỗ xe.

Để tìm hiểu về công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị tại địa phương này, ngày 17/2, PV Tiền Phong đến UBND phường Bến Nghé. Tại đây, cán bộ UBND phường nói rằng Phó Chủ tịch UBND phường (phụ trách lĩnh vực đô thị) đang đi vắng PV nên để lại câu hỏi, lãnh đạo sẽ trả lời sau. Đến nay PV vẫn chưa nhận được phản hồi.

Dẹp loạn hay thu phí vỉa hè? - Ảnh 2.

Vỉa hè đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1) trở thành điểm kinh doanh nước giải khát Ảnh: H.H


Trong khi đó, tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa (đi qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận) lại nhộn nhịp với các hàng quán ăn uống. Một phần vỉa hè được bày bàn ghế, trưng bảng hiệu và là nơi đỗ xe cho khách. Một khu vực nổi tiếng khác tập trung đông hàng quán ăn uống là tuyến đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp). Về đêm, khi lượng khách đông, một số đoạn vỉa hè bị chiếm dụng để đặt bàn ghế phục vụ.

Tuyến đường An Dương Vương (đoạn trước Đại học Sư phạm TPHCM và Đại học Sài Gòn ở quận 5) là nơi tập trung xe bán hàng rong phục vụ thức ăn vặt buổi tối. Một đoạn đường qua khu vực này bị chiếm dụng bởi các xe hàng rong và là nơi đặt bàn ghế để phục vụ khách.

Theo quan sát của PV, mỗi khi có lực lượng chức năng đi kiểm tra, nhiều người kinh doanh nơi đây thu dọn lại để né tránh. Khi lực lượng chức năng vừa rời đi, tình trạng bày bán lại tiếp tục diễn ra nhộn nhịp.

Tương tự, khu vực Hồ Con Rùa (phường Võ Thị Sáu, quận 3), nơi giao nhau của các tuyến đường Trần Cao Vân, Phạm Ngọc Thạch - Võ Văn Tần, có nhiều hàng quán cà phê, quán ăn. Ban ngày vào giờ cao điểm khách đông đúc, xuất hiện tình trạng đỗ xe máy, ôtô trên vỉa hè, lòng đường. Khi đêm đến, khu vực Hồ Con Rùa là nơi hoạt động nhộn nhịp của đội quân hàng rong với đầy đủ xe hàng kinh doanh nước giải khát, đồ ăn vặt.

Khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, các xe, gánh hàng rong nhanh chóng rút đi. Khi lực lượng vừa rời đi, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè lại tái diễn.

Khó xử lý

Thông tin đến PV, ông Nguyễn Thái Long Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Võ Thị Sáu (quận 3), cho biết, thời gian qua địa phương rất quyết liệt trong việc giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Số liệu xử lý vi phạm vào tháng 12/2022 cho thấy, riêng khu vực Hồ Con Rùa phát hiện 16 trường hợp vi phạm hành chính và tuyến đường Võ Văn Tần 1 trường hợp vi phạm hành chính. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan chức năng còn tạm giữ 153 ghế các loại, 3 bảng hiệu, 28 thùng xốp, 1 ô (dù), 3 xe đẩy tay và 1 loa.

Khi PV đặt vấn đề về việc một số trường hợp người kinh doanh tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ban đêm lúc vắng lực lượng chức năng, ông Hải cho biết: “Lực lượng trật tự đô thị của phường chỉ hoạt động đến khoảng 20-21h, ngoài thời gian này sẽ có lực lượng Công an phụ trách”.

Không chỉ ở khu vực trung tâm quận 1, quận 3, theo ghi nhận ở các quận, huyện khác, tình trạng lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường cũng diễn ra phức tạp. Cứ vào giờ cao điểm, tuyến đường An Dương Vương (ranh giới giữa phường An Lạc, quận Bình Tân và phường 10, quận 6) dài khoảng 1,3km lại xảy ra ùn ứ vì tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Tiểu thương thường xuyên mang hàng hóa xuống vỉa hè, lòng đường để họp chợ và gây nên cảnh ùn tắc. Người đi bộ vì không có vỉa hè để lưu thông nên phải xuống lòng đường, len lỏi di chuyển giữa dòng xe cộ đông đúc.

Thông tin đến PV, một cán bộ trật tự đô thị ở phường An Lạc (quận Bình Tân) cho biết, phường có đông dân cư, đa số là công nhân và người lao động thu nhập thấp. Hiện khu vực đường An Dương Vương mà PV Tiền Phong phản ánh đang trở thành địa điểm kinh doanh tự phát, vào giờ cao điểm có nhiều người bán hàng rong. Lực lượng trật tự đô thị của phường An Lạc thường xuyên tuần tra nhắc nhở và xử lý, nhưng lực lượng còn mỏng, một số trường hợp bị xử phạt vẫn tái phạm.

Từng rất quyết liệt

Năm 2017, ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TPHCM), từng rất quyết liệt với "chiến dịch giành lại vỉa hè". Bên cạnh xử lý các vi phạm, ông Hải còn nhiều lần kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu các phường vì buông lỏng quản lý và để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường.

Ngày 28/9/2017, ông Hải gửi văn bản đến lãnh đạo Quận ủy quận 1 và UBND TPHCM đề xuất luân chuyển công tác đối với Chủ tịch UBND phường Bến Nghé (thời kỳ đó là ông N.T.P) vì chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý trật tự đô thị, có dấu hiệu làm ngơ, bao che, không kiên quyết, ngại đụng chạm tiêu cực…

Năm 2017, ông Hải cũng gửi văn bản kiến nghị luân chuyển công tác theo hướng hạ chức với Chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh và Phó chủ tịch phụ trách đô thị phường Tân Định vì không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác quản lý trật tự đô thị.

Tuy nhiên, dù với các động thái quyết liệt trên, sau khi ông Hải xin thôi việc theo nguyện vọng, "chiến dịch đòi lại vỉa hè" dần lắng xuống và tình hình tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại quận 1 nói riêng và TPHCM nói chung lại diễn ra phức tạp.

Theo Hữu Huy

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên