Dẹp nạn bổ nhiệm cán bộ “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ...”
Cần loại bỏ những cán bộ thoái hóa biến chất, những cán bộ được bổ nhiệm trên cơ sở “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ” để lấy lại lòng tin của nhân dân.
- 11-07-2016Đề nghị kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ ở Bộ Công Thương
- 06-07-2016Bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình nhưng vẫn bị… nghi vấn
- 16-06-2016Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo tổng rà soát các quyết định bổ nhiệm cán bộ 3 năm trước
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu khắc phục tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay nhưng chậm đi vào cuộc sống, khắc phục tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít.
Tổng Bí thư cho rằng, còn tình trạng đó là do cán bộ làm sai, nhưng lại được bao che, hoặc có xử lý cũng chưa nghiêm minh. Chính vì vậy, những hành động, những tiếng nói về công tác tổ chức cán bộ thời gian gần đây đã cho thấy quyết tâm của Đảng ta loại bỏ những cán bộ thoái hóa biến chất, những cán bộ được bổ nhiệm trên cơ sở “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ”, làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, lấy lại lòng tin của nhân dân.
Dường như ai cũng tỏ câu tục ngữ mới: “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ” nói về mặt trái trong việc tuyển chọn, sắp xếp cán bộ, thi tuyển biên chế. Nhưng để xem xét, chấn chỉnh, xử lý thì tới nay vẫn có quá nhiều nút thắt mà nếu không minh bạch, công tâm, không thực hành dân chủ thực chất thì sẽ không bao giờ khắc phục được. Có người đã rất ngậm ngùi khi cho rằng, bây giờ người ta không chỉ “chạy” mà còn “đấu thầu”…ghế!
Đấu thầu vốn là một phạm trù kinh tế, là một hình thức để chọn nhà thầu. Nhưng giờ đây nó lại được gắn vào việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, đủ thấy, thực trạng chạy chức, chạy quyền, chạy đủ thứ trong hệ thống chính trị đang ở mức nào; đủ thấy niềm tin của người dân đối với một bộ phận cán bộ của Đảng hao hụt ra sao.
Hậu quả của nạn đấu thầu cán bộ là không lường hết được. Nó cho thấy đồng tiền có sức mạnh ra sao, có ma lực như thế nào khi cuốn những quan chức tham lam, tư lợi vào vòng xoáy; khi nó tạo ra một lớp cán bộ thiếu tài, thiếu đức, tùy tiện, vô nguyên tắc, xa rời quần chúng, coi thường kỷ cương luật pháp, lợi dụng và lạm dụng quyền lực thực hiện những hành vi làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của Đảng.
Và khi đã đấu thầu thành công họ lại tiếp tục “kéo bè kéo cánh” bảo vệ con cái, “hậu duệ” của những người đã có công bổ nhiệm họ. Như thế, loại cán bộ “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ”, loại cán bộ đấu thầu vẫn tiếp tục nảy nở.
Thực tế ấy cho thấy, chúng ta chưa có giải pháp nào thật sự hiệu quả, rõ ràng. Ngay quy định pháp luật cũng còn nhiều kẽ hở để người có chức, có quyền dễ bề lợi dụng. Ví như trong Luật Cán bộ công chức, viên chức; Luật phòng chống tham nhũng chưa quy định cụ thể việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo trong cơ quan khi người có thẩm quyền có mối quan hệ huyết thống với người được bổ nhiệm. Vì thế, nạn chạy chức quyền, cài cắm con cháu, sắp xếp đưa con em, người thân lên vị trí lãnh đạo vẫn chưa có thuốc trị.
Những hành động của Tổng Bí thư vừa qua được xem là “tiếng trống lệnh” dẹp bỏ thực trạng này. Đó là chỉ đạo của Tổng Bí thư về vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam, với yêu cầu khẩn trương điều tra, nhanh chóng đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật; không chịu bất kỳ một sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
Là chỉ đạo cần làm rõ sự thiếu minh bạch trong vụ việc của nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, cùng những lùm xùm quanh chuyện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo một số cơ quan bộ, ngành.
Là việc khởi tố nguyên Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu và 3 người khác là cán bộ của UBND, phòng chức năng của thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về hành vi “Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Những hành động quyết liệt, mạnh mẽ ấy là tín hiệu tích cực của Đảng trong việc dần loại bỏ những cán bộ lợi dụng sự tin tưởng của Đảng, lòng tin của nhân dân để trục lợi, lôi bè kéo cánh hình thành nhóm lợi ích, làm hại dân, hại nước.
Tại Hội nghị Trung ương 3, khóa 12 vừa bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh đến tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, chuẩn bị tốt nhân sự, đề cao sự gương mẫu, khách quan, trung thực của mỗi Ủy viên Trung ương. Mong rằng, chỉ lệnh này sẽ là tiền đề để chấn chỉnh công tác cán bộ, vốn đã và đang gây nhiều bức xúc trong quần chúng nhân dân./.
VOV