Dẹp nạn hàng giả, hàng nhái "lộng hành" các chợ vùng cao
Các lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu đã và đang tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, siết chặt quản lý và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.
- 02-01-2021Thu giữ 15 tấn đồ thời trang tại tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng nhái
- 26-12-2020Vụ bắt 100 xe tải hàng Trung Quốc ở Lào Cai: Có rác thải điện tử, chân gà, hàng hiệu giả
- 19-12-2020Ban Chỉ đạo 389 ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Tân Sửu
Lợi dụng nhận thức của một bộ phận đồng bào các dân tộc còn hạn chế, các đối tượng xấu thường lợi dụng đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lên các chợ vùng cao bày bán. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng vùng cao, các lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu đã và đang tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, siết chặt quản lý và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.
Chợ vùng cao San Thàng, thành phố Lai Châu là trung tâm mua sắm của người dân các xã, phường của thành phố và huyện Tam Đường. Vào dịp chợ phiên ngày thứ 5 và chủ nhật hàng tuần hàng nghìn đồng bào các dân tộc về chợ mua bán. Tại đây thường bày bán đủ các mặt hàng từ giày dép, quần áo, lương thực, thực phẩm...
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lai Châu đồng loạt ra quân kế hoạch cao điểm, với 100% quân số bám nắm địa bàn quyết không để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tuồn vào địa bàn.
Càng cận tết nguyên đán, chợ phiên San Thàng thường đông người mua bán hơn và hàng hóa cũng đa dạng hơn. Để người dân không mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ngoài việc đảm bảo an ninh, trật tự, tổ quản lý chợ thường xuyên phát thông báo trên loa truyền thanh để cảnh báo người dân nâng cao nhận thức về hàng giả, hàng nhái.
Chị Vũ Thị Kim Ngân, người mua hàng ở chợ phiên San Thàng, thành phố Lai Châu cho biết, là người đi mua sản phẩm ở chợ nên phải kiểm tra chất lượng của sản phẩm xem có tốt hay không. "Khi kiểm tra nếu phát hiện hàng không tốt, hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ báo với ban quản lý chợ và chính quyền địa phương để xử lý theo quy định. Nếu có hiện tượng bán hàng giả ở chợ, nhất là thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, còn quần áo thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng", chị Ngân cho biết.
Ngoài các phiên chợ, hiện nay tại chợ San Thàng còn tổ chức họp chợ đêm vào tối thứ 7 hàng tuần, với các hoạt động văn hóa và ẩm thực, nhằm phục vụ người dân trong vùng và khách du lịch. Để kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, UBND thành phố Lai Châu đã chỉ đạo chính quyền xã tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ông Hoàng Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã San Thàng, thành phố Lai Châu cho biết, xã đã đã cử cán bộ phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, công an, y tế... thường xuyên kiểm tra từ khâu sản xuất đến kinh doanh tại chợ. Đặc biệt, lực lượng đoàn thể và y tế xã đang tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền và vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định buôn bán các mặt hàng, nhất là hàng thực phẩm:
"UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, để nâng cao nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng. Đối với các cửa hàng kinh doanh, UBND xã thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng, thường xuyên đến kiểm tra từng cơ sở. Xã đã phát trên loa truyền thanh không dây về cách thức nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng và thành lập tổ thường xuyên đi kiểm tra, giám sát các hộ tiểu thương kinh doanh", ông Sinh cho biết.
Ngoài các trung tâm mua bán ở thành phố và thị trấn các huyện, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 23 xã biên giới, với 4 chợ hoạt động theo vùng là San Thàng (thành phố Lai Châu), Pa Tần (huyện Sìn Hồ), Dào San, Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ). Ngoài các chợ này, địa phương còn có nhiều khu mua, bán nhỏ lẻ tại trung tâm các xã vùng cao, biên giới. Đây được xem là nơi các đối tượng thường lợi dụng để tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào bán cho người dân.
Các mặt hàng tăng cường kiểm tra tập trung vào sản phẩm phục vụ tết Nguyến đán như: bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước ngọt...
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo đồng loạt 5 đội quản lý thị trường ra quân. Nội dung kiểm tra sẽ được thực hiện đột xuất và tập trung vào các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu sử dụng lớn trong dịp tết như: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, bánh mứt kẹo, nước ngọt, rượu bia...
Ông Đỗ Văn Tính, Quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Lai Châu cho biết, Cục đã ban hành kế hoạch cao điểm kiểm tra trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu; 100% quân số đã tăng cường bám sát địa bàn và tăng cường công tác nắm chắc địa bàn. "Riêng chợ vùng cao, lực lượng QLTT kiểm tra thường xuyên và có kế hoạch kiểm tra về các xã biên giới. Cục sẽ tập trung vào các phiên chợ, cử cán bộ nắm bắt địa bàn, để tăng cường công tác phát hiện và bắt giữ hàng hóa mà không đảm bảo", ông Tính nói.
VOV