MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may đón công nghệ để tăng tốc!

13-11-2019 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Trong bối cảnh nguồn lao động khan hiếm, chi phí ngày càng tăng lên thì việc tiếp cận thiết bị, công nghệ hiện đại cũng như nâng cao tỉ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu đối với doanh nghiệp trong ngành dệt may được cho là một trong những giải pháp tốt để giảm lao động, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Dấu ấn xuất khẩu

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng dệt may trong 9 tháng/2019 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 24,61 tỉ đô la Mỹ, một kết quả kỷ lục từ trước đến nay. Đáng chú ý, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính đều có xu hướng tăng. Cụ thể, sau 3/4 chặng đường của năm 2019, Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 11,21 tỉ đô la, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 45,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Nhật Bản đã tiêu thụ 2,91 tỉ đô la, tăng 4,2%; thị trường EU (28 nước) là 3,22 tỉ đô la, tăng 4,6%; Hàn Quốc tiêu thụ 2,6 tỉ đô la, tăng 10,5%; hay Trung Quốc 1,18 tỉ đô la, tăng 10%...

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngoài các mặt hàng dệt may truyền thống thì hai năm qua Việt Nam cũng tăng cường xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may… Điều này đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới và dự báo kết thúc năm nay có thể đạt mốc 40 tỉ đô la, một con số kỷ lục.

Nhờ dân số lớn với khoảng 95 triệu người và vị trí địa lý gần gũi với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Việt Nam từ lâu là một điểm đến đối với các công ty dệt may muốn tìm kiếm chi phí sản xuất thấp và lực lượng lao động trẻ. Đáng chú ý, cơ hội xuất khẩu của ngành này được giới phân tích đánh giá còn nhiều tiềm năng nhờ Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), có lợi thế về sản xuất, và đáng chú ý là căng thẳng Mỹ-Trung, sẽ dẫn đến việc dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Yếu tố công nghệ, nguyên phụ liệu

Tuy nhiên, ngành dệt may đang đối mặt hàng loạt thách thức về thiếu nguyên phụ liệu trong nước và công nghệ chưa cao, đòi hỏi phải tăng cường đầu tư, đổi mới để đón cơ hội dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc và đáp ứng các điều kiện miễn giảm thuế từ các FTA mang lại. Và để đảm bảo sự phát triển bền vững, chính phủ Việt Nam đã liên tục khuyến khích và hỗ trợ hoạt động nâng cấp thiết bị máy móc cho các doanh nghiệp, tăng cường đào tạo nhân lực và thúc đẩy chuyển đổi công nghệ.

Đồng hành cùng đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dệt may Việt Nam, Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam (VTG 2019), Triển lãm máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu Dệt May (VitaTex) sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 23-11 sắp tới với 800 gian hàng của 530 đơn vị đại diện 550 thương hiệu tham gia đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dệt may đón công nghệ để tăng tốc! - Ảnh 1.

VTG 2019 sẽ trưng bày nhiều loại máy móc thiết bị công nghiệp, nguyên phụ liệu ngành dệt may.

Các thương hiệu lớn trên thế giới hứa hẹn mang đến một loạt các máy móc sản xuất dệt may tự động với công suất cao cùng hàng loạt các loại sợi, vải, chỉ, hóa chất nhuộm chất lượng cao. Đơn cử ZSK, Nantex (Đức), Barudan (Nhật Bản) sẽ mang đến công nghệ máy thêu độ phân giải cao; Tajima mang đến máy thêu vi tính với hệ thống quản lý chỉ thông minh, cùng các thương hiệu máy in màn hình dệt như Heinz Walz, OZ, Bihong, San Sin. Hay Askme sẽ trình bày bản demo trực tiếp về các sản phẩm tối ưu, bên cạnh Xiamen Xing-Quanlong trình làng máy dệt kim tròn tự động với tính linh hoạt cao. TAK sẽ giới thiệu các giải pháp làm sạch đa năng bao gồm giặt khô, đóng bao, làm thẳng vải và đồng phục. Các nhà cung ứng hoá chất nhuộm chất lượng cao như Eksoy, Nicca, Zschimmer & Schwarz, và 3M cũng sẽ góp mặt tại VTG lần này,…

Dệt may đón công nghệ để tăng tốc! - Ảnh 2.

Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam (VTG) sẽ mang đến các giải pháp tổng thể dành cho toàn bộ chuỗi cung ứng sản xuất ngành dệt may.

Trong khi đó, các thương hiệu vải, chỉ, sợi cũng góp mặt với 3 khu gian hàng quốc tế đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan. Triển lãm sẽ mang đến các giải pháp tổng thể dành cho toàn bộ chuỗi cung ứng sản xuất ngành dệt may. Khách tham quan có thể tiếp cận các phát minh mới nhất của thế giới trong ngành dệt may, tiếp cận thông tin thị trường mới nhất, và giao lưu với các doanh nghiệp chủ chốt từ khắp nơi trên thế giới.

Sự kiện do Công ty triển lãm quốc tế Yorkers Việt Nam phối hợp Công ty Vinexad tổ chức. Triển lãm được đồng tổ chức bởi Hiệp hội máy may Hong Kong, Công ty Paper Communication Exhibition Service và Phòng Thương mại thiết bị Máy may Quảng Đông.

Song song triển lãm, một loạt chương trình sẽ được tổ chức. Theo Ban tổ chức triển lãm, nhiều diễn giả danh tiếng từ các hiệp hội công nghiệp uy tín sẽ chia sẻ công thức thành công thông qua các chủ đề như: Phân tích chuyên sâu về tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đối với thị trường Việt Nam; thu hút và tối ưu hoá tài năng Việt Nam trong kỷ nguyên số; cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và tác động lớn đến ngành; lối đi nào cho ngành...

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên