MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may khẳng định vị thế, hướng mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD

Dệt may khẳng định vị thế, hướng mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD

Mục tiêu đến năm 2025, xuất khẩu ngành dệt may sẽ đạt 55 tỷ USD, trong đó xơ, sợi các loại đạt 4.000 tấn, vải đạt 3.500 triệu m2, sản phẩm may hơn 8.500 sản phẩm.

Năm 2020, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu (XK) ngành dệt may dự kiến đạt 35,27 tỷ USD, giảm 3,6 tỷ USD so với năm 2019, tương đương -9,29%,  thấp hơn nhiều các quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%.

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kết quả này dù khiêm tốn nhưng là nỗ lực đáng ghi nhận của ngành dệt may khi phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động.

Tại Đại hội nhiệm kỳ VI (2020-2025) và tổng kết năm 2020 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam diễn ra ngày 12/12 tại Hà Nội, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch VITAS thông tin, mục tiêu đến năm 2025, xuất khẩu ngành dệt may sẽ đạt 55 tỷ USD; trong đó, các sản phẩm chính bao gồm xơ, sợi các loại đạt 4.000 tấn, vải đạt 3.500 triệu m2, sản phẩm may hơn 8.500 sản phẩm. Giá trị thặng dư thương mại đến năm 2025 sẽ phấn đấu đạt 33 tỷ USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 11,6%.

Cơ sở của mục tiêu này xuất phát từ giai đoạn 2016 – 2020 và đặc biệt trong năm 2020, VITAS đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các DN trong nước, giữa DN trong nước và DN nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu…

Đặc biệt, Hiệp hội đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các DN dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước để phán ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm.

Trong giai đoạn 2020 – 2025, ngành dệt may Việt Nam đứng trước nhiều lợi thế và thách thức đan xen, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 còn có thể kéo dài từ 1-2 năm tới. Đáng chú ý, khi Việt Nam đang thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới lại là cơ hội để các nhãn hàng lớn thâm nhập vào thị trường Việt Nam, tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn với sản phẩm dệt may trong nước.

Để khẳng định vị thế, sẵn sàng vượt qua những thách thức đặt ra, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025, hiệp hội sẽ tiếp tục tăng cường tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách còn bất cập với nhà nước; đặc biệt các vấn đề về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành…

“Để hưởng lợi ích về thuế suất của CPTPP và EVFTA, Việt Nam phải phát triển nguồn nguyên liệu trong nước hoặc sử dụng nguyên liệu nội khối hay các quy định ngoại lệ để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Đây là vấn đề không dễ giải quyết ngay khi hiện nay Việt Nam nhập khoảng 75% vải và phụ liệu cho may xuất khẩu. Chưa kể dệt may Việt Nam vừa chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước xuất khẩu dệt may lớn vào CPTPP, EU như Trung Quốc, Ấn Độ... và tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh với các thương hiệu lớn đến từ châu Âu và các nước CPTPP”, chủ tịch Vitas nhấn mạnh.

Do đó theo ông Giang, Hiệp hội sẽ tập trung làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên nhằm hình thành chuỗi cung ứng dệt may đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do; kết nối các trường, viện trong nước với doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.

Để làm tốt kế hoạch để ra, ông Giang cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 ; trong đó nhà nước quy hoạch và xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp dệt may lớn, có xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án dệt nhuộm; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến.

Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và giảm chi phí cho doanh nghiệp; Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bỏ thuế VAT cho các doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để may xuất khẩu (giống như vải nhập khẩu để gia công xuất khẩu) để tạo điều kiện hình thành chuỗi liên kết…

Ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khuyến nghị, các doanh nghiệp dệt may cần ưu tiên phát triển thị trường trong nước. Các DN cũng cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các FTA bằng sự liên kết và từng bước giải quyết những chỗ thiếu hụt như nguồn nguyên phụ liệu... để sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu...

“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các DN bằng cách tiếp tục mở rộng thị trường, bao gồm các hiệp định thương mại tự do. Với những hiệp định thương mại tự do đã có, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ghi nhận và ngồi với các doanh nghiệp để hoàn thiện các yêu cầu ví dụ như hoàn thiệu hơn các quy định về quy tắc xuất xứ...để đáp ứng yêu cầu của các FTA. Cùng với đó là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh...”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Bộ Công Thương hiện đang tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp dệt may; xây dựng và sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong năm 2021 tới.

Theo Nguyễn Quỳnh

Theo VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên