MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may 'rủng rỉnh' đơn hàng

Dệt may 'rủng rỉnh' đơn hàng

Với gần 9 tỷ USD thu về trong quý I/2021, tăng 6% so cùng kỳ, đã cho thấy xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đang dần vượt qua cơn bĩ cực và trên đà khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp (DN) cũng đã rủng rỉnh đơn hàng đến tháng 8-9/2021.

Ðầu ra ổn định

Từ sau Tết Nguyên đán 2021 đến nay, công nhân Công ty (Cty) CP Quốc tế Dony (Q.Tân Bình, TPHCM) liên tục làm hàng phục vụ cho thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước. Mới đây, Cty vừa ký hợp đồng với 3 khách hàng lớn ở khu vực Trung Đông để cung cấp quần áo, đồng thời đang đàm phán với nhiều khách hàng khác xúc tiến ký đơn hàng mới.

Phản ánh về thị trường năm nay, ông Phạm Quanh Anh, Giám đốc Cty Dony cho rằng, có nhiều tín hiệu tích cực giúp thị trường xuất khẩu tăng trưởng và sẽ nhộn nhịp hơn trong thời gian tới.

“Niềm tin người tiêu dùng thế giới đang tốt lên, nhất là với những gì Việt Nam làm được để kiểm soát dịch bệnh. Sau thời gian dồn nén vì tiêu dùng giảm, đầu năm 2021, sức mua tăng lên khiến DN dệt may có nhiều đơn hàng hơn. Thêm vào đó, bất ổn chính trị ở Myanmar ảnh hưởng đến năng lực sản xuất dệt may của họ, khiến các nhà mua hàng chuyển hướng sang Việt Nam, nhờ vậy DN trong nước có thêm cơ hội”, ông Quang Anh phân tích.

Bà Hằng Phạm, chủ cơ sở may gia công Century (thành phố Thủ Đức) cho biết, hiện tại, cơ sở này đang tuyển thêm nhiều công nhân để kịp đơn hàng cho khách.

“Chúng tôi là đơn vị gia công cho các DN xuất khẩu. Thời điểm này năm ngoái, gần 50 công nhân thất nghiệp do không có đơn hàng vì ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Thế nhưng từ cuối năm 2020 trở đi, tình hình sản xuất “ấm” hơn khi các DN giao hàng về nhiều. Chúng tôi vừa được giao lô hàng lớn để gia công cho đối tác ở Mỹ nên tuyển thêm người cho kịp tiến độ”, bà Hằng nói trong niềm vui.

Theo Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (AGTEX), hầu hết DN đã có đơn hàng đến hết tháng 6, một số DN có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Cty CP May Sài Gòn 3, Chủ tịch AGTEX chia sẻ: “May Sài Gòn 3 đã ký đơn hàng quần jeans, kaki xuất sang Nhật đến hết quý II. Saigon Garmex, Việt Tiến... cũng có đơn hàng tốt.

Phần lớn DN đã có đơn hàng, có thể do năm ngoái tiêu thụ sụt giảm mạnh nên năm nay tăng trở lại. Tiêu thụ chính vẫn là những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật. Trong đó, thị trường Mỹ tăng khả quan, châu Âu tăng chưa xứng tiềm năng do DN Việt chưa khai thác tốt lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)”.

Nhiều Cty, nhóm ngành dệt may cũng ghi nhận doanh thu tốt. Như Cty CP Đầu tư và Thương mại TNG, doanh thu tháng 2/2021 đạt 266 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 2 tháng, TNG đã vượt 14% doanh thu so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài triển khai nhanh đơn hàng để kịp tiến độ đưa đi gia công thêm, TNG đang thực hiện kế hoạch đàm phán chi tiết các đơn hàng sản xuất quý 3/2021; Cty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Công ty Thành Công) cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 80% về doanh thu và 162% về lợi nhuận trong tháng 1/2021, lần lượt đạt 15,4 triệu USD và gần 1,1 triệu USD… Đơn hàng xuất sang Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu của Công ty Thành Công đã ký đến tháng 8/2021.

Tuy nhiên, Chủ tịch AGTEX Phạm Xuân Hồng cũng tỏ ra thận trọng khi cho rằng, các DN dù đều có đơn hàng, song cũng mới chỉ đáp ứng ở mức độ duy trì sản xuất, còn triển vọng vẫn chưa rõ ràng do dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. “Dệt may Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thế giới, trong khi các thị trường chưa ổn định thì cả ngành khó tăng trưởng tốt được”, ông Hồng khẳng định.

Thừa thắng vươn lên

Thông tin Bộ Công Thương cho thấy, trong quý I/2021, xuất khẩu dệt may đạt gần 9 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020 dù vẫn chịu tác động cực lớn của đại dịch... Kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại trong quý I tăng 31%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 8,8%. Tương tự, các DN ngành da giày cũng khởi sắc khi có đơn hàng sản xuất dài hạn trở lại. Điều này cho thấy các DN đã tìm ra được hướng đi phù hợp.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), qua đại dịch COVID-19, xu thế tiêu dùng may mặc của thế giới đã thay đổi rất nhiều. Trong năm 2020, các mặt hàng veston, quần âu và sơ-mi suy giảm mạnh nhất với mức giảm tương ứng: 70%, 45% và trên 30%). Trong năm 2021, tăng trưởng số lượng hàng kể trên có sự phục hồi nhất định so với năm 2020, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất của ngành may Việt Nam đã đạt được trước đó. Đây lại là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

“Có thể chắc chắn rằng, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường sẽ tiêu thụ chính yếu các mặt hàng cơ bản, giá cả tương đối rẻ. Thực tế hiện nay, các nhà máy may của Việt Nam vẫn chạy đầy tải các mặt hàng dệt kim, hàng quần áo cơ bản”, ông Lê Tiến Trường nói và cho biết thêm, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết.

Đặc biệt, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng được kỳ vọng tạo ra động lực cho ngành và thay thế một số thị trường mà đại dịch COVID-19 vẫn chưa kiểm soát được. Đồng thời, các FTA còn giúp ngành dệt may tiếp tục kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt nguyên liệu.

Báo cáo về triển vọng ngành dệt may Việt Nam 2021, Cty CP chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - BSC cho biết, trong năm 2021, với kỳ vọng cuộc sống trở lại bình thường, nhu cầu mua sắm của người dân sau một năm bị kìm nén sẽ tăng trưởng trở lại. Điều này giúp các hãng thời trang lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh, từ đó tác động tích cực đến các đơn hàng may truyền thống tại các nhà máy may của Việt Nam.

Theo Uyên Phương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên