MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may TNG: Lợi nhuận 10 tháng vượt kế hoạch năm, tăng trưởng 39% so với cùng kỳ năm trước

TNG là doanh nghiệp hoạt động đa ngành gồm dệt may, bất động sản khu công nghiệp, bất động sản thương mại...

TNG là doanh nghiệp hoạt động đa ngành gồm dệt may, bất động sản khu công nghiệp, bất động sản thương mại...

TNG đạt lợi nhuận sau thuế 193 tỷ đồng, trong khi kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ 175 tỷ

Công ty Đầu tư và Thương mại TNG (mã: TNG) vừa công bố báo cáo tài chính tháng 10/2021.

Theo đó, doanh thu tháng 10  của TNG đạt 462 tỷ đồng, tăng 100 tỷ tương ứng tăng 27,6% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng cũng tăng tương ứng, do đó công ty đạt lợi nhuận gộp 67 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm nhẹ so với cùng kỳ còn 6,5 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 26 tỷ đồng. Trong khi chi phí lãi vay ngốn của TNG 11,6 tỷ. Sau hạch toán chi phí TNG lãi sau thuế 24,2 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2020.

Dệt may TNG: Lợi nhuận 10 tháng vượt kế hoạch năm, tăng trưởng 39% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh 1.

Lợi nhuận sau 10 tháng của TNG đã vượt kế hoạch năm

Luỹ kế 10 tháng năm 2021, doanh thu của TNG đạt 4.542 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng tăng lên 3.913 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của công ty đạt 628 tỷ. Chi phí lãi vay của TNG trong 10 tháng lên tới 113 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khá mạnh lên 236 tỷ, còn chi phí bán hàng lại giảm gần 50 tỷ xuống còn 73 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế của TNG đạt 193 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.

Nhờ lợi nhuận tăng mạnh, EPS của TNG sau 10 tháng tăng lên 2.427 đồng. 

Tính đến 30/10/2021, TNG có tổng cộng tài sản 4.055 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ so với cùng kỳ, trong đó nợ phải trả đạt 2.700 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp chủ yếu là nợ ngắn hạn với 2.041 tỷ (phải trả người bán ngắn hạn 455 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính 1.458 tỷ). Nợ dài hạn gồm khoản vay tài chính dài hạn 657 tỷ là lớn nhất. Lợi nhuận luỹ kế sau thuế chưa phân phối đến nay của TNG đạt trên 193 tỷ đồng. 

Trong phần hàng tồn kho, TNG ghi nhận 415 tỷ hàng nguyên liệu, vật liệu, tăng 115 tỷ s với cùng kỳ; 251 tỷ sản xuất kinh doanh dở dang, trong đó chi phí xây dựng dở dang của toà nhà TNG Village là 45 tỷ đồng. Hàng hoá thành phẩm 299 tỷ đồng, giảm 185 tỷ so với cùng kỳ. 

TNG là doanh nghiệp dệt may nhưng công ty đã mở rộng kinh doanh bất động sản vào năm 2018 với nhiều dự án lớn về bất động sản khu công nghiệp (Sơn Cẩm 1), bất động sản thương mại như TNG Village...

Năm 2021, TNG đặt kế hoạch doanh thu 4.798 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng, tăng 7% và 14% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, với kết quả kinh doanh tăng trưởng này, TNG đã vượt kế hoạch năm. 

Trước đó, TNG cũng công bố báo cáo tài chính quý 3 ghi nhận doanh thu 1.710 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 169 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ. Nguyên nhân cho sự tăng trưởng của kết quả kinh doanh là nhờ TNG đã định hướng được việc tập trung vào khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB chủ đạo cùng với việc dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam.

Bạch Huệ

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên