Dệt may Việt Nam: Thay đổi để biến cơ hội thành đơn hàng lớn
Để đón nhận được những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA và CPTPP đem lại, biến những cơ hội thành đơn hàng xuất khẩu lớn, ngành dệt may Việt Nam cần phải thay đổi. Khâu yếu nhất hiện nay của ngành là khâu dệt và điểm nghẽn là nhuộm, nếu như muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải nắm được mấu chốt cơ bản của chuỗi cung ứng đó.
- 13-10-2019Thiếu đơn hàng dài hơi, doanh nghiệp dệt may đang “hụt hơi”
- 06-10-2019Dệt may Việt Nam chưa tận dụng cơ hội với CPTPP
- 28-09-2019Xuất khẩu dệt may: Gánh nặng dồn về cuối năm
Thách thức lớn
Theo nhận định của các chuyên gia, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là cơ hội rất lớn cho ngành dệt may của Việt Nam. Hiện thị trường này đang mang lại giá trị xuất khẩu lớn thứ hai trong tổng số các nước nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam. Để đón được những cơ hội mà EVFTA mang lại, ngành dệt may cần cú huých tích cực từ nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ dệt, nhuộm.
Năm 2018, ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đạt là 5,6 tỉ USD. Mặc dù đây là con số rất lớn nhưng cũng chỉ chiếm hơn 2% so với tổng lượng nhập khẩu hàng dệt may của Châu Âu và cho thấy thị trường này vẫn còn nhiều dư địa tiềm năng phát triển nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều dòng thuế quan sẽ được cắt giảm về 0% trong vòng 7 năm. Đây là cơ hội tốt mở ra một sân chơi lớn để giao thương cũng như đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu dệt may. Đồng thời cũng tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu vào EU.
“Ngành dệt may bắt buộc phải cải cách, tham gia Hiệp định thương mại tự do, thể hiện thách thức rất lớn đối với những ngành truyền thống như ngành dệt may.
Trước đây chúng ta dựa vào dệt may rất nhiều để phát triển việc làm và phát triển theo bề rộng. Nhưng bối cảnh đã khác, việc tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nằm trong tính toán tổng thể.”, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương phát biểu tại chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Ngành dệt may Việt Nam trước thách thức và cơ hội từ thị trường Châu Âu” .
90% nguyên phụ liệu đang nhập khẩu
Nguồn cung nguyên liệu ngành dệt may chính là nút thắt lớn trong việc hưởng cơ hội mà EVFTA mang lại. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO - VCCI cho biết 90% nguyên phụ liệu của dệt may Việt Nam hiện nay đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của Hiệp định EVFTA và không được ưu đãi cộng gộp trong hiệp định. Trong khi, hầu hết các hiệp định mới ký đều có yêu cầu rất cao về quy tắc xuất xứ.
Năm 2019, ngành dệt may đặt ra mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỉ USD, trong đó, thị trường lớn nhất là Mỹ chiếm 42% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam; đứng thứ hai là thị trường EU, khả năng chiếm 21,5% so với mục tiêu đặt ra là 20%.
Để giải quyết điểm nghẽn của ngành dệt may, cần có thị trường lớn thiết lập chuỗi cung ứng mang tính ổn định, lâu dài. Cùng với đó là việc tạo ra thị trường bền vững để có thêm điều kiện để đầu tư, tham gia chuỗi cung ứng ở mức độ sâu hơn nhằm giá trị cao hơn cho Việt Nam.
9h ngày 29.10.2019 diễn ra toạ đàm “Dệt may Việt Nam – Cần cú hích để bùng nổ”, được tường thuật trực tuyến trên Laodong.vn. Tọa đàm do Báo Lao Động chủ trì với sự tham gia của ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp- Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội; Ông Lương Hữu Lâm, Giám đốc thương hiệu của Tập đoàn Giovanni Group.
Lao động