Deutsche Bank: Ngay cả khi FED tăng lãi suất, chứng khoán vẫn tiếp tục tăng trong 10 tháng sau đó
Ngân hàng Đức bày tỏ sự lạc quan đối với thị trường chứng khoán, ngay cả khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo về những đợt tăng lãi suất tiềm năng trong năm 2022.
- 16-12-2021Chứng khoán Mỹ tưng bừng khởi sắc sau tin FED dự kiến tăng lãi suất năm 2022
- 16-12-2021FED dự kiến 3 đợt nâng lãi suất năm 2022 để chống lại lạm phát
- 15-12-2021FED chuẩn bị công bố một sự thay đổi chính sách mạnh mẽ, dọn đường cho đợt tăng lãi suất đầu tiên vào 2022
- 15-12-2021Kỳ vọng gì vào cuộc họp của Fed ngày 14 - 15/12
- 14-12-2021Nhà đầu tư chờ kết quả Fed họp, Phố Wall giảm
Tuần này, câu hỏi lớn nhất bao trùm phố Wall là khi nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu tăng lãi suất. Để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi đó, mọi con mắt đều đã đổ dồn về cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), nơi các lãnh đạo cao nhất của FED đã thống nhất về khả năng tăng lãi suất trong năm tới để chống lại lạm phát, vốn đang dao động ở mức gần đỉnh của 40 năm.
Tại thời điểm này, phố Wall tin rằng FED sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm 2022, trong đó lần đầu tiên diễn ra vào nửa đầu năm. Nếu FED quyết định tăng lãi suất nhanh chóng như nhiều người dự đoán, nó sẽ gây tác động như thế nào đối với các nhà đầu tư chứng khoán?
Các nhà phân tích tại Deutsche Bank đã theo dõi 13 chu kỳ tăng lãi suất riêng biệt của FED kể từ năm 1955 (thời gian tăng kéo dài trung bình dưới 2 năm) và nhận thấy rằng, S&P 500 có xu hướng tăng vững chắc trong năm đầu tiên của chu kỳ tăng lãi suất với 7,7% sau 365 ngày.
Biến động trung bình S&P 500 theo ngày kể từ khi FED bắt đầu tăng lãi suất trong 13 chu kỳ kể từ năm 1955.
"Tuy nhiên, sau đỉnh vào ngày thứ 253 của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, phải mất gần 200 ngày nữa nó mới có thể bị vượt qua (ở mốc 452 ngày). Thậm chí, có nhiều chu kỳ phải tới ngày 712 thì S&P 500 mới có thể vượt được đỉnh của ngày 253", Deutsche Bank viết.
Dựa vào số liệu từ 13 lần tăng lãi suất trước đó, Deutsche Bank nhận thấy sau 9-10 tháng kể từ khi bắt đầu tăng lãi, S&P 500 phải trải qua hơn một năm để tìm lại đỉnh. Tuy nhiên, 2 năm sau khi FED bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, S&P 500 bắt đầu tăng trưởng.
Nói cách khác, ít nhất về mặt lịch sử, động thái tăng lãi suất của FED sẽ gây tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sau đó, thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng trở lại sau giai đoạn khó khăn. Ngoài ra, kể từ khi bắt đầu tăng lãi suất, thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong khoảng 9-10 tháng tiếp theo.
Các chiến lược gia, trong đó có Ryan Detrick tại LPL Financial, cho rằng: "Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn sớm của quá trình phục hồi sau cuộc suy thoái tồi tệ nhất mà phần lớn những người đang sống từng được chứng kiến. Chính vì vậy, FED vẫn cần thận trọng một chút".
Theo Detrick, 3 lần tăng lãi suất trong năm 2022 có lẽ là quá nhiều. Tuy nhiên, điều đó không khiến đà tăng của thị trường bị cản trở mặc dù con đường đó có thể sẽ hơi "gập ghềnh".
Những người khác, chẳng hạn như Lindsey Bell, giám đốc thị trường và chiến lược gia tiền tệ tại Ally Invest, lại tin rằng các đợt tăng lãi suất nhỏ và từ từ hiếm khi làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Điều đó tạo ra một môi trường mà chứng khoán có thể tiếp tục tăng trưởng tốt.
Nhìn chung, các nhà phân tích của Deutsche Bank gọi ý rằng nếu lịch sử là đúng, kể từ khi FED tăng lãi suất lần đầu tiên, nó có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và thị trường tài chính trong 2-3 năm tới. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng không loại trừ những điểm khác biệt bởi thời điểm này rất khác và chu kỳ này cũng được đánh giá là bất thường so với các chu kỳ trong quá khứ.
Dẫu vậy, các nhà đầu tư cũng không lên làm ngơ trước các phân tích lịch sử bởi xét về thực chất, chu kỳ nào cũng có những điểm khác biệt so với các chu kỳ trước nhưng kết quả không mấy thay đổi.