DGW 2 năm liên tục dẫn đầu giải 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam
Các chỉ số của DGW xứng đáng với ngôi vương khi tỷ lệ tăng trưởng trung bình xét trong 3 năm 2019 – 2021 của doanh thu là 37%, ROE 35% và tỷ suất lợi nhuận cho nhà đầu tư 3 năm là 514%.
Bảng xếp hạng “50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” (TOP50) năm 2023 vừa công bố đã ghi nhận CTCP Thế giới số (mã chứng khoán DGW) là doanh nghiệp đứng số 1. Đây là năm thứ 2 liên tiếp DGW đứng đầu bảng xếp hạng này, vươn lên từ vị trí thứ 4 tại BXH 2020.
TOP50 được triển khai trên cơ sở đo lường kết quả kinh doanh các công ty liên tiếp 3 năm, dựa vào 3 chỉ số tăng trưởng: doanh thu, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên cổ phiếu. Kết quả đo lường nhằm đánh giá khách quan năng lực quản trị của doanh nghiệp. Với TOP50 năm 2023, các chỉ số được tính trong giai đoạn 2019 – 2021.
Các chỉ số của DGW xứng đáng với ngôi vương khi tỷ lệ tăng trưởng trung bình xét trong 3 năm này của doanh thu là 37%, ROE 35% và tỷ suất lợi nhuận cho nhà đầu tư 3 năm là 514%. Giai đoạn này ghi nhận mức doanh thu kỷ lục cho công ty khi dịch bệnh và giãn cách xã hội đã tạo nên xu hướng học tập, làm việc tại nhà, thúc đẩy nhu cầu mua sắm thiết bị điện tử, đặc biệt là Laptop tăng cao đột biến. Đây cũng là ngành có biên lợi nhuận gộp cao, hỗ trợ cho “cú nhảy” về lợi nhuận cho DGW.
Bên cạnh đó, khi hàng xách tay Apple mất vị thế, các sản phẩm smartphone của Apple do DGW phân phối cũng đạt doanh số ấn tượng.
Nhìn ở giai đoạn dài hơn, doanh thu của DGW đã tăng trưởng 7 năm liên tục từ 2016 – 2022. Riêng năm 2022, mặc dù nhu cầu tiêu dùng suy giảm, doanh thu của DGW vẫn đạt 22.028 tỷ đồng, tăng 5% trong khi LNST đạt 684 tỷ đồng, tăng 4,5%. Biên LNG cả năm được cải thiện nhẹ từ mức 7,2% lên 7,5%.
Năm 2023 là một năm khó khăn với ngành phân phối hàng ICT. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kết quả kinh doanh của DGW giảm mạnh so với cùng kỳ nhưng doanh thu tất cả các mảng đã bắt đầu ghi nhận sự hồi phục từ quý 2. Cụ thể, doanh thu của DGW đạt 8.556 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ trong khi LNST đạt 162 tỷ đồng, giảm 53%. Biên LNG được cải thiện từ mức 6,6% (Q2/2022) lên 7,7% (Q2/2023) nhờ sự tăng trưởng mạnh của các ngành hàng mới với biên lợi nhuận cao hơn.
Trong bối cảnh khó khăn của ngành hàng ICT, DGW gây chú ý với chiến lược mở rộng thị trường sang ngành hàng gia dụng, đồ uống, áp dụng mô hình dịch vụ phát triển thị trường (Market Expansion Services – MES) đã rất thành công với máy tính, điện thoại…
Theo đó, trong cơ cấu doanh thu năm 2022 của Digiworld, hai mảng điện thoại di động và máy tính xách tay, máy tính bảng chiếm tỷ trọng lớn nhất với lần lượt 49% và 32% trong khi ba mảng ngoài ICT bao gồm thiết bị văn phòng, hàng tiêu dùng, gia dụng đóng góp 19% tổng doanh thu.
Nhưng sang đến quý 2/2023, hai ngành hàng ngoài ICT là thiết bị gia dụng và hàng tiêu dùng có tăng trưởng doanh thu ấn tượng nhất, lần lượt tăng 54%, 83% so với cùng kỳ năm 2022 và đóng góp 7% tổng doanh thu. Cùng với thiết bị văn phòng, ba ngành hàng ngoài ICT đã nâng mức đóng góp lên 23% tổng doanh thu.
Với riêng mảng hàng tiêu dùng và thiết bị gia dụng, cho đến nay, DGW đã phân phối hàng gia dụng mang thương hiệu Whirlpool, Westinghouse; phân phối bia của AB-InBev, soda-sữa và nước trái cây của Lotte Chilsung Beverage.
2 mảng này ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng rất tốt, nhưng thực tế mức tăng trưởng cao đến từ mức nền thấp trong giai đoạn mới vận hành. Tỷ trọng đóng góp vào doanh thu mới chỉ quanh mức 2% - 4%. Và do đó, hàng tiêu dùng và thiết bị gia dụng sẽ mất thêm thời gian để có thể tác động rõ nét hơn tới kết quả kinh doanh của DGW.
Dù vậy, báo cáo mới đây của CTCK ABS kỳ vọng 2 mảng này sẽ đạt tăng trưởng tích cực trong năm 2023/2024 với tốc độ tăng trưởng doanh thu 2 mảng năm 2023 lần lượt đạt 80% và 35%; năm 2024 lần lượt đạt 33% và 35%.
Trước mắt, “bò sữa” của DGW vẫn là ngành ICT. Trong cuộc gặp mặt nhà đầu tư mới đây, đại diện của DGW chia sẻ, tác động của cuộc chiến giá đối với DGW ít nghiêm trọng hơn so với các doanh nghiệp bán lẻ khác nhờ chi phí cố định (tiền thuê và các chi phí khác tại cửa hàng) thấp hơn. Công ty kỳ vọng phân khúc điện thoại di động, máy tính xách tay và thiết bị gia dụng sẽ phục hồi so với quý trước trong quý 3 và quý 4/2023 do mức tồn kho của các doanh nghiệp bán lẻ đã giảm xuống.
DGW cũng dự kiến sẽ bắt đầu phân phối cho một hãng điện thoại di động giá rẻ mới là ZTE vào cuối quý 3/2023. Do Việt Nam đang dần ngắt sóng 2G theo từng giai đoạn cho đến khi cắt hẳn sóng 2G vào cuối năm 2024, người tiêu dùng sẽ chuyển từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh phân khúc giá rẻ, từ đó thúc đẩy doanh thu điện thoại di động ZTE và các mẫu điện thoại di động Xiaomi phân khúc giá rẻ.
Trong khi đó, DGW kỳ vọng mảng thiết bị văn phòng sẽ phục hồi cùng với việc giải ngân vốn FDI, thành lập doanh nghiệp mới và mở rộng tệp khách hàng. Công ty con Achison sẽ mở chi nhánh mới tại Hà Nội để phục vụ khách hàng từ các KCN phía Bắc.
Nhịp Sống Thị Trường