ĐHCĐ Cao su Sao Vàng (SRC): Sự thật đằng sau mức giá 435 tỷ đồng của lô đất 231 Nguyễn Trãi
Nhiều công ty muốn tham gia dự án tại SRC đã “lách” bằng cách hỗ trợ tiền di dời cho SRC để có thể cùng khai thác lô đất 231 Nguyễn Trãi.
- 25-11-2015Không phải Vingroup, FLC, BRG… ai có được khu đất vàng Cao Su Sao Vàng?
- 07-02-2015SRC: Năm 2015, đặt kế hoạch lãi 89 tỷ đồng trước thuế
- 22-01-2015SRC: quý 4 lãi giảm, EPS cả năm đạt 3.770 đồng
Sáng 26/4 đã diễn ra ĐHCĐ thường niên năm 2016 của CTCP Cao su sao vàng (SRC). Tại đại hội, ban lãnh đạo SRC đã trình bày kết quả HĐKD trong năm 2015 của công ty.
Theo đó, trong năm 2015, doanh thu tiêu thụ của SRC đạt 960,3 tỷ đồng, bằng 94,1% so với kế hoạch 2015 và bằng 96,7% so với thực hiện năm trước đó. LNTT đạt 95,6 tỷ đồng, bằng 107,4% kế hoạch năm và bằng 108,4% thực hiện trong năm 2014.
Trong năm 2015, công tác tiêu thụ sản phẩm của SRC gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm. Xu hướng tiêu dùng khách hàng chuyển từ lốp Bias sang Radial, một số sản phẩm công ty tiêu thụ chậm, lượng tiêu thụ sụt giảm.
Công ty trình kế hoạch chia tiếp 7% cổ tức bằng tiền mặt sau khi đã tạm ứng 15% trong năm 2015.
Lợi nhuận tiếp tục chững lại trong năm 2016, thoái vốn khỏi Philips Carbon Black
Trong 6 tháng đầu năm, giá nguyên vật liệu đầu vào được dự báo ở mức thấp, công ty đã dự trữ khoảng 3 tháng nguyên vật liệu cho sản xuất. Tuy vậy, còn nhiều khó khăn tồn tại với SRC như tiêu thụ sản phẩm gặp cạnh tranh quyết liệt từ các nhà sản xuất trong và ngoài nước, lốp ô tô Radial nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan có giá rất rẻ, sản phẩm công ty có sức cạnh tranh yếu trên thị trường. Ngoài ra, việc di dời nhà máy ảnh hưởng đến tâm lý người lao động cũng như KQKD.
SRC đặt kế hoạch doanh thu tiêu thụ 1.005,3 tỷ đồng trong năm 2016, tăng 4,7% so với thực hiện năm trước; LNTT đạt 96 tỷ đồng, tăng 0,4%. Năm nay, công ty dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 15%.
Ngoài ra, SRC cũng trình ĐHCĐ phương án thoái vốn khỏi liên doanh Philips Carbon Black do những khó khăn về vốn và chủ trương của Chính phủ về việc không đầu tư ngoài ngành.
Đại hội cũng trình phương án tăng vốn điều lệ từ 200,5 tỷ đồng lên 280,7 tỷ đồng bằng cách phát hành khoảng 8 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 10:4).
Hợp tác với công ty Hoành Sơn, khai thác lô đất 231 Nguyễn Trãi
Theo kế hoạch, SRC sẽ tiến hành di dời nhà máy khỏi 231 Nguyễn Trãi để mở rộng quy mô đầu tư sản xuất, đặc biệt là dòng lốp Radial. Tuy nhiên, khả năng tài chính công ty còn hạn chế để phục vụ việc di dời, đầu tư mở rộng nhà máy nên SRC đxa tìm đối tác đầu tư tại lô đất 231 Nguyễn Trãi, tận dụng lợi thế khu đất để tạo nguồn vốn hỗ trợ công tác di dời.
SRC đề nghị lựa chọn CTCP Tập đoàn Hoành Sơn là đối tác ký hợp đồng đầu tư vì đây là đối tác trả giá cao nhất (435 tỷ đồng) và là một nhà đầu tư đã và đang tham gia nhiều dự án lớn tại Hà Nội.
2 bên thỏa thuận góp vốn thành lập Công ty TNHH Sao Vàng- Hoành Sơn để đầu tư phát triển khu hỗn hợp, bao gồm TTTM- Dịch vụ- Văn phòng- Căn hộ cao cấp để bán và cho thuê tại 231 Nguyễn Trãi.
CTCP Sao Vàng- Hoành Sơn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó SRC góp 26% và sẽ thoái vốn khi dự án kết thúc.
Kinh phí hỗ trợ SRC di dời nhà máy về KCN Châu Sơn, Hà Nam là 435 tỷ đồng và SRC hiện đã đặt cọc 17,2 tỷ đồng thuê 21ha đất, thời hạn thuê đến năm 2056.
SRC không thể bán lô đất 231 Nguyễn Trãi, 435 tỷ đông là khoản tiền "lách luật" thông qua việc hỗ trợ di dời
Trả lời câu hỏi của cổ đông trước ý kiến SRC coi nhẹ tài sản nhà nước khi nhượng lại lô đất với giá quá “rẻ”, gây thất thoát, lãnh đạo SRC cho biết dự án này đã manh nha triển khai từ lâu (2008, 2009) nhưng SRC loay hoay trong việc tìm kiếm nguồn vốn. Lúc đó, dự kiến thành lập liên doanh 3 công ty BĐS Việt Hưng, Phú Mỹ và SRC triển khai dự án.
Thời điểm đó, quy định công ty nhà nước không được đầu tư ngoài ngành, chính phủ cũng chưa có quy định về sử dụng đất như hiện nay. Lúc đó, BĐS đang rất nóng nên có đối tác đã đề nghị với mức giá hơn 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, Vinachem yêu cầu nghiên cứu kỹ lại, giá BĐS đi xuống, quy định không cho xây dựng nhà cao tầng….đã khiến kế hoạch triển khai bị dừng lại.
Hiện tại, lô đất 231 Nguyễn Trãi thuộc quyền sở hữu của nhà nước nên không thể có chuyện SRC bán lô đất này. Nhiều công ty muốn tham gia dự án tại SRC đã “lách” bằng cách hỗ trợ tiền di dời cho SRC để có thể cùng khai thác lô đất. Mức giá 435 tỷ đồng đã được SRC tham khảo với giá mà Vincom mua một số nhà máy lân cận (6 triệu đồng/m2 tại nhà máy Xà Phòng Hà Nội).
Điều mà SRC quan tâm là số tiền mà đối tác hỗ trợ di dời khỏi Hà Nội và việc thành lập công ty con chỉ là bước thủ tục.
Về vấn đề vốn điều lệ công ty dự án có vốn quá nhỏ, lãnh đạo SRC cho rằng công ty học kinh nghiệm từ các công ty khác để tránh phải đóng nhiều tiền. Hiện tại, SRC không có nhiều tiền để tham gia dự án và thực chất số tiền góp vào công ty là do đối tác “nộp hộ” cho SRC.
Trí Thức Trẻ