MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Minh Phú: Phát hành cho cổ đông ngoại, đầu tư nhà máy tôm tẩm bột

11-11-2018 - 10:17 AM | Doanh nghiệp

Minh Phú dự kiến sản xuất hết công suất mặt hàng tôm tẩm bột vào năm 2020 với sản lượng 40.000 tấn/năm.

Đại hội đồng cổ đông bất thường CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Mã: MPC - ) vừa được tổ chức sáng nay (11/10).

Minh Phú muốn có 2 nhà đầu tư chiến lược

Để nới room cho cổ đông nước ngoài lên trên 51%, cổ đông Minh Phú thông qua việc bỏ bớt một số ngành nghề kinh doanh không hoạt động hoặc không phải mảng chính. Cụ thể, các ngành này gồm có kinh doanh bất động sản, xây dựng công trình dân dụng, vận tải hàng hóa bằng đường bộ và cho thuê xe có động cơ.

Động thái này được cho là "dọn đường" cho nhà đầu tư ngoại sở hữu thêm cổ phần Minh Phú trong đợt tăng vốn điều lệ từ 1.400 tỷ lên hơn 2.157 tỷ đồng theo hình thức phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư. Giá phát hành được ủy quyền Chủ tịch HĐQT đàm phán, quyết định trên cơ sở không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm báo cáo tài chính quý gần nhất và không thấp hơn giá đóng cửa bình quân trong 10 ngày liên tiếp ngay trước thời điểm nộp hồ sơ cho UBCKNN.

Số cổ phần trên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm. Thời gian thực hiện là trong năm 2018 - 2019. Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ dùng để tăng cường năng lực tài chính, bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

ĐHCĐ Minh Phú: Phát hành cho cổ đông ngoại, đầu tư nhà máy tôm tẩm bột - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông bất thường của Minh Phú diễn ra ngày 10/11.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Minh Phú, cho biết, đối tác tham gia đợt phát hành phải đảm bảo cả về tài chính lẫn đem lại giá trị cho công ty, nhất là việc mở rộng thị trường B2C (kinh doanh giữa các doanh nghiệp). Ông thừa nhận B2C là điểm yếu của Minh Phú.

Theo tiết lộ của ông Quang, nhiều nhà đầu tư chiến lược muốn mua cổ phần mới với các tỷ lệ như 35,1%, 30% và 15%. Đặc biệt, một nhà đầu tư muốn mua khoảng 35,1% vốn của MPC và 15% của gia đình nhằm nắm 51% vốn. Thậm chí, đối tác này còn muốn mua 65% với giá tốt nhưng giá này vẫn chưa đạt kỳ vọng của ông Quang (cao ít nhất 20 - 30% giá thị trường). Ngoài ra, đối tác khác còn muốn mua với điều kiện không bị hạn chế chuyển nhượng.

Chủ tịch Minh Phú nói rằng ông muốn hai nhà đầu tư (muốn mua 30% và 35% vốn) cùng tham gia vào công ty nhưng ông vẫn đang cân nhắc vì tỷ lệ sở hữu lớn, nhất là việc mua từ gia đình. Tuy nhiên, dù là ai mua cổ phần, ông Quang nói họ vẫn muốn ông đứng ra điều hành, quản lý.

Các nhà đầu tư ngỏ ý niêm yết cổ phiếu MPC lên sàn quốc tế nhưng ông Quang nói sẽ nghiên cứu. Trước mắt, công ty vẫn tiến hành niêm yết sàn HOSE, thời gian dự kiến đầu năm 2019.

Các con gái của ông Quang và bà Chu Thị Bình, Phó Tổng giám đốc, là Lê Thị Dịu Minh, Lê Thị Minh Quý, Lê Thị Minh Phú, Lê Thị Minh Ngọc được mua thêm cổ phần mà không phải chào mua công khai.

Nhà máy tôm bột tẩm 40.000 tấn/năm nhờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Ông Quang cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra đã đưa mức thuế nhập khẩu tôm tẩm bột của Trung Quốc vào Mỹ từ mức 0% (mặt hàng tôm tẩm bột không bị thuế phá giá) lên 10% và lên 25% vào cuối năm 2018. Trước đây, Trung Quốc xuất khẩu mạnh mặt hàng này vào Mỹ, hiện tại thì không. Do đó, ông cho hay, các khách hàng Mỹ đã gặp và yêu cầu Minh Phú bán hàng cho họ để bù vào lượng thiếu hụt mà Trung Quốc không bán được.

Để tận dụng cơ hội này, Minh Phú lên kế hoạch xây dựng nhà máy tôm tẩm bột công suất 40.000 tấn/năm tại phần đất của Minh Phú Hậu Giang. Vì mặt hàng này không chịu thuế phá giá vào Mỹ nên nguồn tôm nguyên liệu cung cấp cho nhà máy này và chủ yếu nhập khẩu từ Ấn Độ và tôm loại 2 từ Minh Phú Hậu Giang và Minh Phú Cà Mau. Vì vậy, đặt nhà máy ở Minh Phú Hậu Giang sẽ giảm được chi phí vận chuyển tôm nhập về cũng như tôm tẩm bột xuất đi. Dự kiến lợi nhuận của dự án này sẽ trên 20%.

ĐHCĐ Minh Phú: Phát hành cho cổ đông ngoại, đầu tư nhà máy tôm tẩm bột - Ảnh 2.

Tôm tẩm bột là mặt hàng có lợi thế. Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Ông Quang phân tích thêm, tôm tẩm bột có đặc tính không chịu thuế chống bán phá giá và nguyên liệu tôm loại 2, sử dụng nhân công lao động ít do tự động hóa nhiều. Những năm qua, Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường trong mặt hàng này, còn Minh Phú chỉ bán rất ít, lợi nhuận tối đa chỉ dưới 10%.

Dự kiến, phải đến năm 2020, nhà máy tôm tẩm bột mới có sản phẩm với sản lượng 40.000 tấn/năm nhưng doanh số mang về khoảng 250 - 300 triệu USD/năm. Nhà máy xây dựng xong là có thể lấp đầy công suất, với hệ thống tự động máy móc.

Giả sử cuộc chiến thương mại có dừng lại thì ông Quang vẫn khẳng định không quá quan ngại do nhà máy có thể mang lại lợi nhuận khoảng 15 - 20% từ sản phẩm này.

Cũng theo Minh Phú, hiện tại, bên Mỹ các kho lạnh đã quá tải làm việc nhập khẩu hàng của Minh Phú vào Mỹ phải làm việc ở cảng, chờ kho phát sinh tăng thêm rất nhiều chi phí. Vì thế, công ty sẽ đầu tư xây dựng 1 kho lạnh 10.000 pallet (tấm kê hàng) tại Los Angeles và 1 kho lạnh 10.000 pallet tại New York. Đây là 2 cảng chính mà hàng Minh Phú nhập vào. Nguồn vốn đầu tư này là từ lợi nhuận tái đầu tư Mseafood và nguồn vốn vay ngân hàng. Nguồn trả nợ là bằng lợi nhuận để lại hàng năm của Mseafood.

Kết thúc, cổ đông còn thông qua việc bầu bổ sung thêm ông Bùi Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Minh Phú, làm Thành viên HĐQT.

Về chương trình ESOP, thay vì thưởng tháng lương thứ 13 cho cán bộ chủ chốt từ Phó Tổng giám đốc và tương đương thì Minh Phú sẽ phát hành cổ phiếu thưởng. Mỗi năm, công ty phát hành không quá 500.000 cổ phiếu ESOP, tương đương 0,36% lượng lưu hành.

Theo Khổng Chiêm

NDH

Trở lên trên