MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Ngân hàng SCB: Tiếp tục không chia cổ tức, bầu bổ sung một thành viên HĐQT

28-03-2018 - 15:15 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo Tổng giám đốc SCB, giai đoạn vừa qua SCB đã thực hiện quá trình tái cơ cấu theo kế hoạch đã được NHNN phê duyệt nên toàn bộ lợi nhuận giữ lại đều được ngân hàng dùng để bổ sung vào vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, năng lực vốn cho ngân hàng.

Sáng ngày 28/03/2018, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.

Đại hội đã thông qua báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2017 và định hướng kế hoạch hoạt động năm 2018; phương án phân phối lợi nhuận năm 2017 và kế hoạch lợi nhuận, phương án phân phối lợi nhuận năm 2018; miễn nhiệm và bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2012 – 2017.  

Đến 31/12/2017, SCB có tổng tài sản 444.031 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2017. Huy động vốn thị trường 1 tăng 17,1% lên 353.327 tỷ đồng và dư nợ cho vay tăng 20% đạt mức 264.151 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 164 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn trên tổng dư nợ cho vay lần lượt là 0,45% và 0,63%. Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt 9,83%,.

Năm 2018, SCB đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 224 tỷ đồng, tăng 36,8% so với năm 2017; tổng tài sản tăng 9,7% đạt 487.043 tỷ đồng; huy động tăng 18,4% đạt 418.278 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 17,8% đạt 311.204 tỷ đồng.

Trả lời về vấn đề chia cổ tức cho cổ đông, ông Võ Tấn Hoàng Văn – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SCB, cho biết, SCB đã thực hiện các chính sách chi trả cổ tức theo đúng phê duyệt của NHNN trong từng thời kỳ. Giai đoạn vừa qua SCB đã thực hiện quá trình tái cơ cấu theo kế hoạch đã được NHNN phê duyệt nên toàn bộ lợi nhuận giữ lại đều được ngân hàng dùng để bổ sung vào vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, năng lực vốn cho ngân hàng. Nhờ vậy, SCB có thêm nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu hàng năm và kết quả kinh doanh đang có những chuyển biến rõ rệt qua từng năm.

Đối với phần lợi nhuận giữ lại và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, theo ông Văn, đây vẫn là các khoản tích lũy cho hoạt động của ngân hàng, cho các cổ đông. Đến thời điểm này, Quỹ dự phòng rủi ro của SCB đã đạt 6.375 tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng rủi ro trái phiếu VAMC là 3.492 tỷ đồng.

Tổng giám đốc SCB cũng cho biết, Các khoản trích lập dự phòng đều là chi phí tích lũy trong hoạt động xử lý nợ, sau khi hoàn tất việc xử lý nợ xấu, SCB sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện thu nhập và lợi nhuận của Ngân hàng. Khoản dự phòng nói trên có thể xem là của để dành lớn cho SCB, là tích tụ tài chính tốt cho ngân hàng sau giai đoạn tái cơ cấu.

Đại hội cổ đông đã thông qua tất cả các tờ trình, đồng thời bầu bổ sung một thành viên HĐQT là ông Nguyễn Văn Thanh Hải thay cho bà Nguyễn Thị Phương Loan đã từ nhiệm vì lý do sức khỏe.

Ngọc Toàn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên