ĐHCĐ SCB: Nóng thù lao HĐQT, được bán 50% vốn cho nước ngoài
Năm 2015, SCB lãi trước thuế 111 tỷ đồng do phải trích lập các khoản dự phòng rủi ro tín dụng, ngân hàng không trả cổ tức năm 2015.
Sáng nay Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2015 tại TP.HCM.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc SCB báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của SCB trong năm 2015. Ông Võ Tấn Hoàng Văn làm tổng giám đốc SCB từ năm 2013, trước đó ông Văn làm Phó Tổng giám đốc công ty kiểm toán Ernst & Young.
Tổng tài sản tính đến 31/12/2015 đạt 311.000 tỷ tăng 61.000 tỷ (28,6% so với đầu năm), dư nợ cho vay đạt 170.000 tỷ tăng 36.000 tỷ (tăng 26% so với đầu năm), SCB kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, nợ quá hạn chiếm 1,66%, nợ xấu là 0,15%.
Thực hiên chủ trương bán nợ cho VAMC, đến cuối 2015 SCB đang nắm giữ 17.764 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu VAMC (tăng 55,7% so với đầu năm), SCB có 2 công ty con quản lý nợ và quản lý tài sản (nắm giữ 100%), tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (nắm giữ 70,6%) với giá trị 880 tỷ đồng.
Huy động thị trường 1 của SCB đạt 257.000 tỷ đồng (tăng 29% so với đầu năm), huy động thị trường 2 đạt 23.000 tỷ đồng (giảm 10% so với đầu năm do SCB phân bổ nguồn trên thị trường liên ngân hàng).
Vốn điều lệ của SCB đạt 14.295 tỷ đồng.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, SCB không hoàn thành kế hoạch do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo đúng quy định (2279 tỷ đồng), LNTT đạt 111 tỷ đồng, theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, một số trái phiếu VAMC SCB bán năm 2013 tổng mức dự phòng tính theo quy định NHNN đã trích lập được 40% (ví dụ có 100 tỷ nợ xấu đã trích lập được 40%, khả năng sau này thu hồi lại sẽ tạo nguồn thu lớn cho SCB sau này).
Kế hoạch 2016
SCB là ngân hàng đầu tiên tái cơ cấu trên cơ sở hợp nhất 3 ngân hàng, giai đoạn 2015-2019, SCB đặt mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam trong đó 2015-2017 sẽ tập trung xử lý nốt các tồn tại của giai đoạn trước, giai đoạn 2018-2019 xây dựng nên tảng để phát triển hoạt động.
Năm 2016, SCB đặt kế hoạch tăng vốn lên gần 16.000 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ 1.705 tỷ đồng với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cp cho đối tác nước ngoài, số cổ phần này bị giới hạn 5 năm. Lợi nhuận trước thuế đặt kế hoạch 183 tỷ đồng, giảm tỷ lệ cho vay bất động sản, tăng tín dụng ngắn hạn và tăng tỷ lệ thực thu trên tổng thu nhập lãi, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, tăng vốn cấp hai từ 3.000 – 5.000 tỷ đồng.
Trả lời phỏng vấn báo Đầu tư chứng khoán, Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết ngân hàng đã được chấp thuận về mặt chủ trương bán cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ trên 50% vốn điều lệ.
Tăng tỷ trọng nguồn vốn giá rẻ và giảm dần giá vốn đầu vào, chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ.
Năm 2015, HĐQT SCB được phê duyệt thù lao 12 tỷ đồng, HĐQT SCB trình ĐHCĐ phê duyệt mức thù lao cho HĐQT năm 2016 ở mức 11 tỷ đồng, kinh phí ban kiểm soát và kiểm toán nội bộ năm 2015 ở mức 199 triệu đồng, năm 2016 trình mức thù lao 600 triệu đồng.
Q&A
Thời gian tái cơ cấu SCB phải trích lập dự phòng 1.400 tỷ, năm 2015 trích lập trên 2.200 tỷ nên cổ đông chỉ mong ngân hàng hoạt động ổn định, tuy nhiên cổ đông vẫn băn khoăn việc ngân hàng không chia cổ tức. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng tỷ lệ nợ quá hạn tăng lên nhiều, tỷ lệ nợ phòng tăng mạnh cho thấy công tác cho vay vẫn có nhiều khoản nợ quá hạn, điều này khiến lợi nhuận giảm. Cổ đông cho rằng tỷ suất lợi nhuận của SCB hiện vẫn ở mức thấp, trong khi chi phí nhân viên đạt hơn 300 triệu đồng/năm. Lợi nhuận đạt 117 tỷ trong khi trích quỹ khen thưởng phúc lợi 57 tỷ (chiếm 40%).
Ông Võ Tấn Hoàng Văn: Về cơ cấu thu nhập của SCB, đã có thay đổi theo hướng tích cực, lợi nhuận của SCB đã tích cực hơn, chi phí hoạt động năm nay cao hơn năm trước, chi phí hoạt động trên thu nhập ở mức 49% (cao hơn năm trước 3%), điều này không phải do ngân hàng lãng phí, chúng ta đã trải qua việc tái cơ cấu 3 năm nên những việc cần thiết như mạng lưới, hình ảnh phải làm lại, điều này cần phải có khoản chi phí. Mảng công nghệ thông tin cũng phải đầu tư, một giao dịch mất 40 phút khách hàng có chịu được không trong khi các ngân hàng bạn chỉ mất 10 phút. Tất cả chi phí phát sinh không phải từ lương bổng, mà tất cả đều đầu tư cho hoạt động của SCB nên tôi mong cổ đông hiểu được mục đích sử dụng nguồn vốn và tôi cam kết việc sử dụng vốn hợp lý. Rất nhiều kênh thông tin truyền thông muốn đẩy mạnh hình ảnh.
Về chi phí dự phòng liên quan đến việc bán nợ cho VAMC, việc bán nợ cho VAMC là công cụ cực kỳ hiệu quả để SCB có thời gian khắc phục khó khăn trong thời kỳ tái cơ cấu và là cơ hội để tích tụ tài chính, hiện SCB đã trích lập dự phòng 40%, 2 năm nữa trích lập được 80%, các tài sản bán cho VAMC đều là các tài sản bất động sản, nên khi bán tài sản vẫn nằm ở đó nhưng SCB trích lập dự phòng và nguồn này vẫn nằm im tại ngân hàng, nếu thị trường tốt chúng ta bán được tài sản thu được nợ thì khoản này không thiếu một xu. Chúng ta đang trải qua quá trình “tích tụ tư bản” dưới hình thức trích lập dự phòng có tài sản đảm bảo đi kèm. Quá trình này rất đau đớn và mệt mỏi nhưng tôi hy vọng cổ đông chia sẻ quan điểm đó và chia sẻ việc lợi nhuận chỉ 111 tỷ đồng hay không chia cổ tức.
Về quỹ khen thưởng phúc lợi, 30/4, 1/5 SCB có trích cho cán bộ công nhân viên được 1,5 triệu – 2 triệu, không có việc phân biệt đối xử lương cao hay lương thấp, được chia đồng đều cho tất cả nhân viên SCB, có một số dự án cần chi phí đặc biệt để xây dựng các dự án nội bộ.
SCB là trường hợp đầu tiên được thông qua về mặt chủ trương mở room ngoại lên 50%, vậy tỷ lệ sở hữu tại NĐT nước ngoài tại SCB là bao nhiêu?Quỹ đầu tư Macquarie Capital đang sở hữu bao nhiêu và quỹ này có tiếp tục tăng vốn không?
Ông Võ Tấn Hoàng Văn: NHNN đã chấp thuận về mặt chủ trương cho SCB được tìm kiếm cổ đông ngoại mua cổ phần trên 50% vốn điều lệ, điều này giúp ngân hàng đa dạng hóa về mặt cổ đông, giúp quá trình tái cơ cấu của ngân hàng tốt hơn.
NDH