MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Viglacera: Đặt kế hoạch lãi 1.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng có thể thoái hết vốn vào năm 2022

ĐHCĐ Viglacera: Đặt kế hoạch lãi 1.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng có thể thoái hết vốn vào năm 2022

Về kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại VGC, đại diện Bộ Xây dựng cho biết nếu không có dịch bệnh Covid-19 thì công tác thoái vốn đã hoàn tất trong năm 2020. Tuy niên, do dịch bệnh nên công tác này đang chậm lại. Dù vậy, Thủ Tướng đã cơ bản chấp thuận việc Nhà nước sẽ không còn nắm giữ vốn tại VGC và việc thoái vốn này có thể diễn ra vào năm 2022.

Ngày 27/4, Tổng công ty Viglacera (VGC) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021.

Điểm lại hoạt động năm 2020, Viglacera đạt 9.433 tỷ đồng doanh thu, giảm 7% so với năm 2019. Còn lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 667 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 600 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, Viglacera trình Đại hội cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, trong đó dành hơn 493 tỷ đồng chia cổ tức tỷ lệ 11% cho cổ đông.

Năm 2021 đặt kế hoạch lãi 1.000 tỷ đồng, đẩy mạnh phát triển BĐS Khu công nghiệp

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2021 Viglacera đặt mục tiêu đạt 12.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, riêng doanh thu công ty mẹ ước đạt 5.000 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.000 tỷ đồng – trong đó công ty mẹ mục tiêu lãi trước thuế 750 tỷ đồng. Dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 12%.

ĐHCĐ Viglacera: Đặt kế hoạch lãi 1.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng có thể thoái hết vốn vào năm 2022 - Ảnh 1.

Về tình hình sản xuất kinh doanh, trong năm 2021 Viglacera cũng lên kế hoạch triển khai đầu tư các dự án chuyển tiếp và dự án mới năm 2021. Trong đó các dự án mới như Nhà máy gạch Viglacera Eurotile công suất 9 triệu m2/năm tại Bà Rịa – Vũng Tàu, phát triển dòng sản phẩm kích thước lớn, cao cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Công ty cũng đang triển khai nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm kính cao cấp, kính siêu trắng làm phôi sản xuất pin năng lượng mặt trời, kính tiết kiệm năng lượng…; khảo sát đầu tư mới các mỏ nguyên liệu; đầu tư phát triển sản phẩm đất sét nung của Viglacera Hạ Long.

Với lĩnh vực BĐS Khu công nghiệp, Viglacera tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật/dịch vụ tại các KCN đang triển khai như: Hải Yên (182,4 ha), Đông Mai (160 ha)- Quảng Ninh; Phú Hà GDI (356 ha) - Phú Thọ; Tiền Hải (294 ha) - Thái bình; Đồng Văn IV GDI, GĐ2 (300 ha) - Hà Nam; Yên Phong IIC (221 ha) và Yên phong mở rộng (314 ha) - Bắc Ninh; Phong Điền (284 ha) - Huế; Yên Mỹ (280 ha) - Hưng Yên; Triển khai chuẩn bị đầu tư và đầu tư Khu công nghiệp Thuận Thành I (-249,75 ha) tại Bắc Ninh; Tiếp tục khảo sát và triển khai các bước công việc chuẩn bị đầu tư các KCN mới như: Đông Mai mở rộng (145 ha), Hải Yên mở rộng (130 ha), KCN Đông Triều 2 - Quảng Ninh; Tiền Hải mở rộng - Thái Bình (330 ha); Mở rộng KCN Phú Hà - Phú Thọ (100ha); Tồ họp KCN - Nhà ở - Dịch vụ tại Yên Bái (496 ha).

Bên cạnh đó, công ty cũng nghiên cứu phát triển các KCN: Dốc đá trắng - 288 ha (tại Khu kinh tế Vân Phong - Khánh hòa, dự kiến do Công ty CP KCN Yên Mỹ đầu tư); các KCN tại Huế khoảng 160 ha (KCN La Sơn, Phong Điền mở rộng); Khảo sát nghiên cứu một số địa điểm để phát triển các KCN mới tại các địa phương có vị trí có lợi thế về hạ tầng, thu hút đầu tư và khả năng kinh doanh; Sẽ thành lập các pháp nhân mới để triển khai các dự án đầu tư Khu công nghiệp mới tại các địa phương. Năm 2021, Viglacera dự kiến cho thuê khoảng 173 ha trên tổng số 8 KCN đang còn quỹ đất.

Với lĩnh vực khu đô thị và nhà ở, Viglacera tiếp tục phát triển các dự án nhà ở xá hội, nhà ở công nhân đồng bộ với phát triển KCN; phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam xây dựng và triển khai các dự án khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại Bắc Ninh, Bắc Giang và một số địa phương khác.

Với nhà ở thương mại và khu du lịch nghỉ dưỡng, Viglacera tiếp tục phát triển dự án Thăng Long No1 GĐ3 (Hà Nội); Tiếp tục triển khai các dự án nhà ở thành phần tại các khu đô thị hiện có, chuyển tiếp từ năm 2020 (Nhà ở thương mại 9,6ha tại Yên Phong, nhà ở thấp tầng GĐ2 tại Khu đô thị Xuân Phương; các dự án/hạng mục đầu tư thành phần tại Khu đô thị Đặng Xá 2); Tham gia đấu giá, lựa chọn chủ đầu tư dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiện có và đầu tư khu nhà ở tại Nhà máy Kính Đáp cầu (phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh) trên khu đất diện tích 12,5ha và Dự án Khu đô thị và nhà ở tại thành phố Bắc Ninh (26 ha); Dự án khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải GDI với diện tích 35ha (Công ty CP Viglacera Vân Hải): Xây dựng phương án triển khai phù họp và GĐ2 với diện tích khoảng 40ha; Tiếp tục khảo sát, tìm kiếm phát triển các quỹ đất mới để đầu tư các dự án khu đô thị, khu nhà ở.

Bầu thay thế Thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát

Về công tác nhân sự, ĐHCĐ Viglacera đã chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Luyện Công Minh về việc thôi tham gia HĐQT và thôi giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT công ty theo nguyện vọng cá nhân; Chấp thuận đơn từ nhiệm của bà Phạm Ngọc Bích, thôi tham gia Ban Kiểm soát và thôi giữ chức vị Trưởng Ban kiểm soát của Tổng công ty để nhận nhiệm vụ khác.

Đại hội đã bầu bổ sung ông Nguyễn Trọng Hiền vào vị trí thành viên HĐQT độc lập và ông Trần Mạnh Hữu và vị trí ban kiểm soát.

Nhà nước có thể thoái hết vốn Viglacera vào năm 2022

Đại diện Bộ xây dựng cho biết VGC là doanh nghiệp hàng đầu mà Bộ đang đại diện vốn Nhà nước nắm giữ. Mặc dù Bộ Xây dựng chỉ còn nắm giữ 38% vốn VGC, nhưng hoạt động kinh doanh của công ty luôn phát triển ổn định, chi trả cổ tức cao. VGC cũng là doanh nghiệp duy nhất trong danh sách Bộ Xây dựng nắm giữ tổ chức thành công ĐHCĐ đúng thời hạn và cũng là doanh nghiệp duy nhất đủ điều kiện niêm yết trên HoSE.

Về kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại VGC, đại diện Bộ Xây dựng cho biết nếu không có dịch bệnh Covid-19 thì công tác thoái vốn đã hoàn tất trong năm 2020. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên công tác này đang chậm lại. Dù vậy, Thủ Tướng đã cơ bản chấp thuận việc Nhà nước sẽ không còn nắm giữ vốn tại VGC và việc thoái vốn này có thể diễn ra vào năm 2022.

Lên kế hoạch mua lại cổ phần nhà máy kính Phú Mỹ từ IDICO

Về kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tại nhà máy kính nổi Phú Mỹ từ 35% (hiện nay) lên trên 50%, lãnh đạo VGC cho biết dự án này bắt đầu triển khai từ năm 2013 nhưng khi đó tình hình tài chính VGC chưa tốt. Tổng công ty phải mời thêm các đối tác tham gia, bao gồm IDICO (30% vốn), Khải Thịnh (35% vốn) và VGC chiếm 35% vốn.

Đến nay tình hình tài chính VGC đã tốt sau giai đoạn cổ phần hóa, tăng vốn, các mảng KCN phát huy tốt, do đó VGC tính đến việc mua cổ phần để chi phối công ty kính nổi Phú Mỹ. ĐHCĐ đã thông qua, căn cứ cơ hội này VGC sẽ đàm phán với 2 đối tác còn lại để nâng sở hữu lên 51%. VGC hiện đang đàm phán với IDICO bởi họ đang muốn tập trung vào KCN và IDICO cũng đang muốn bán cổ phần nhà máy kính Phú Mỹ. Lãnh đạo VGC đánh giá kính là lĩnh vực tiềm năng và VGC đang tìm cơ hội nâng tỷ lệ sở hữu Công ty kính Việt Nhật tại Bắc Ninh. VGC sẽ nâng tỷ lệ sở hữu để dẫn đầu về ngành kính, bao gồm kính siêu trắng, kính tiết kiệm năng lượng.

Minh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên