MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Vinatex: Ám ảnh lương công nhân dệt may liên tục tăng, lộ trình thoái vốn nhà nước

29-06-2017 - 13:14 PM | Doanh nghiệp

Việc TPP không được thông qua và Brexit đã khiến các dự án đầu tư FDI gần như ngưng trệ hoặc không giải ngân, ảnh hưởng lớn đến ngành dệt may.

Sáng nay Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.

Đánh giá về tình hình hoạt động năm 2016, Tổng giám đốc Tập đoàn ông Lê Tiến Trường cho biết năm 2016 là một năm khó khăn đối với ngành dệt may thế giới nói chung và ngành Dệt May Việt Nam nói riêng. Trong 6 tháng đầu năm, các quốc gia nhập khẩu chính là USA, EU, Nhật bản đều có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa dệt may thấp. Cụ thể, nhập khẩu của thị trường USA giảm 3,4%, nhập khẩu của EU tăng nhẹ 2,1%, nhập khẩu của Nhật bản giảm 2,6%, nhập khẩu của Hàn Quốc giảm 2,1%. Sang đến nửa cuối năm 2016, hàng loạt tin tức như Brexit, Mỹ có tổng thống mới đã gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới nói chung, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến dệt may. Kết quả, tổng cầu dệt may thế giới tiếp tục giảm so với 6 tháng đầu năm, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ giảm 4,8%, Nhật Bản giảm 1,7%, Hàn Quốc giảm 4%.

Ngoài các đặc điểm về thị trường, năm 2016 là năm dệt may Việt Nam có nhiều khó khăn riêng:

Thứ nhất, các quốc gia XK dệt may trong top 5 đều phá giá đồng tiền ở mức lớn (trên 10%), trong khi VND chỉ phá giá nhẹ 1%. Dẫn đến hàng hóa dệt may Việt Nam có xu thế đắt hơn các nước khác. Nhiều thời điểm một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như sợi cotton không thể xuất được ra thị trường (đặc biệt là trong Quý 3-4/2016 do giá nguyên liệu tăng cao nhưng giá bán không điều chỉnh theo mức tăng của nguyên liệu).

Thứ hai, trong nửa đầu năm 2016, các quốc gia thuộc Top 5 về xuất khẩu dệt may (Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia) đều nằm ngoài TPP và đều có chính sách trực tiếp để thu hút đơn hàng do lo ngại xu hướng dịch chuyển đơn hàng qua Việt Nam, cụ thể như giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu (bông, xơ, hóa chất), miễn thuế GTGT dù mua nguyên liệu nội địa để sản xuất xuất khẩu, giảm thuế TNDN, không tăng lương tối thiểu.

Thứ ba, Việt Nam tiếp tục tăng lương tối thiểu 2016 (trên 12%), mức đóng góp tổng cộng cho các quỹ bảo hiểm, công đoàn lên tới 34,5% cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu dệt may.

Thứ tư, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam để đón đầu TPP đã có xu thế cắt giảm đơn hàng tại các đơn vị đối tác Việt Nam trước đây để chuyển về sản xuất tại nhà máy của mình. Theo đó, áp lực tìm kiếm khách hàng mới và đơn hàng thay thế tại các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn trong năm 2016.

Ngoài các yếu tố khách quan, bản thân ngành dệt may Việt Nam vẫn còn những hạn chế nội tại cần tập trung khắc phục:

Thứ nhất, việc chủ động trong thị trường và khách hàng chưa cao. Doanh nghiệp Việt Nam phổ biến vẫn ký hợp đồng thông qua các khách hàng cấp 2, chưa là đầu mối trực tiếp cho các khách hàng lớn.

Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được “quyền lực của nhà sản xuất”, vẫn đang nằm ở thế dễ bị thay thế, chưa là sự lựa chọn ưu tiên cao nhất của các nhà đặt hàng.

Thứ ba, doanh nghiệp chưa có được giải pháp trọn gói cho khách hàng, nên không có quyền trong lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu, dẫn đến khó khăn kéo theo cho các nhà sản xuất vải trong nước.Thứ tư, năng suất lao động, mô hình quản lý chưa theo kịp tốc độ giảm giá trên thị trường thế giới cũng như tốc độ tăng lương trong nước, dẫn đến hiệu quả khó được cải thiện. Đồng thời, liên kết doanh nghiệp trong nước vì lợi ích chung, xây dựng từng bước quyền lực nhà sản xuất lớn chưa hiệu quả.

Mặc dù vậy, ngành Dệt May Việt Nam vẫn cố gắng duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu đạt 5,42% so với năm 2015, trong đó tỷ lệ xuất đi USA tăng 5,03%, EU tăng 5,78%, Nhật 4,9%. Đồng thời, nếu so sánh tương quan với các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh..., tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam với mức tăng trưởng 5,42% là cao nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu dệt may.

Cụ thể, đối với Trung quốc, xuất khẩu dệt may giảm 4,2%, trong đó xuất đi USA giảm 7,9%, EU giảm 3%, Nhật giảm 1,1%, Hàn Quốc giảm 7,9%. Đối với Ấn độ, xuất khẩu dệt may giảm 4,7%, trong đó xuất đi USA giảm 0,8%, đi EU giảm 0,4%, Nhật chỉ tăng 1,6%, Hàn Quốc giảm 0,28%. Đối với Bangladesh, xuất khẩu dệt may tăng 4,9%, trong đó xuất USA giảm 2,95%, EU tăng 8,38%, Nhật tăng 18,5%, Hàn Quốc giảm 2,2%. Đối với Indonesia, xuất khẩu giảm 5,3%, xuất đi USA giảm 5,6%, EU giảm 4,4%, Nhật giảm 0,5%, Hàn Quốc tăng 9%. Với KNXK 28,23 tỷ USD, năm 2016 dệt may Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về kim ngạch sau Trung Quốc khoảng 262 tỷ, Ấn Độ 35,4 tỷ USD, Bangladesh gần 34 tỷ USD.

Kế hoạch kinh doanh 2017, tổng doanh thu gần 16.000 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,1% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đặt kế hoạch 749 tỷ đồng, tăng 9,59% cùng kỳ năm trước. Trong đó kế hoạch kinh doanh công ty mẹ đạt 1.791,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 37,93% thực hiện cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế 345,9 tỷ đồng, tăng 22% cùng kỳ năm trước, tỷ lệ cổ tức đặt kế hoạch 6%, tăng nhẹ so với năm trước.

Tại đại hội, ông Lê Tiến Trường cho biết ngày hôm qua Hội đồng tiền lương của Tập đoàn đã thông qua phương án tăng 13% tiền lương năm 2017, vấn đề tiền lương và lao động vẫn luôn là vấn đề đau đầu của ngành dệt may trong

Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư, lãnh đạo Vinatex cho biết Nhà nước đã đồng ý chủ trương tiếp tục thoái vốn khỏi Vinatex và sẽ chuyển Vinatex về SCIC hoặc về uỷ ban mới thành lập.

Về kết quả 6 tháng đầu năm 2017 ông Trường cho biết kết quả năm nay "gần tương tự năm 2016" với mức tăng khoảng 11%, tuy nhiên ban lãnh đạo Vinatex không vội vui mừng với kết quả này bởi, 6 tháng cuối năm trước chỉ cần TPP không được thông qua và Brexit đã làm ngành dệt may không tăng được đơn hàng, thậm chí âm, nhưng ông Trường tin rằng "chắc không còn tin nào xấu hơn được nữa". "Chúng tôi đăng ký với bộ Công Thương tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 30 tỷ USD".

Theo Ngọc Linh

NDH

Trở lên trên