MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ EVNGenco 3 (PGV): Năm 2022 sẽ hoàn tất thoái vốn Vĩnh Sơn – Sông Hinh, tiếp tục trả 5.000 tỷ nợ vay/năm và đưa tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu thấp hơn 3

ĐHĐCĐ EVNGenco 3 (PGV): Năm 2022 sẽ hoàn tất thoái vốn Vĩnh Sơn – Sông Hinh, tiếp tục trả 5.000 tỷ nợ vay/năm và đưa tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu thấp hơn 3

Liên quan đến kế hoạch thoái vốn tại Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VHS), theo EVNGenco 3 (PGV) do Thượng Kon Tum vừa mới được đưa vào vận hành trong năm nay, theo đó PGV dời kế hoạch thoái vốn cho đến khi dự án đàm phán được giá điện mới. Công tác này theo kế hoạch sẽ được thực hiện trong năm 2022.

Ngày 27/5/2021, Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (EVNGenco 3, PGV) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021, thông qua kế hoạch tổng sản lượng điện đạt gần 29.7 tỷ kWh, tương ứng mức doanh thu 39.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 1.540 tỷ đồng.

Với chỉ tiêu trên, PGV dự chia cổ tức tỷ lệ 7% cho năm 2021. Nói về tỷ lệ này, đại diện PGV cho biết đây là mức tối thiểu, Công ty sẽ duy trì cơ cấu chia cổ tức một nửa bằng tiền mặt và một nửa là cổ phiếu trong vòng 3 năm tiếp theo.

Xa hơn, ban lãnh đạo khẳng định mong muốn tăng tỷ lệ cổ tức về dài hạn lên 10% mỗi năm. "Đây là mục tiêu để chúng tôi phấn đấu hiệu quả. Với quy mô của một công ty phát điện lớn thì việc chia cổ tức 10%/năm thực sự là áp lực đối với ban điều hành. Như năm nay, để chia được mức cổ tức đó thì PGV phải đạt lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng", phía PGV nói thêm.

Mỗi năm dự kiến trả 5.000 tỷ nợ vay và đưa tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu về mức 3 đến năm 2022

Chia sẻ về tình hình kinh doanh năm nay, Chủ tịch HĐQT - ông Đinh Quốc Lâm - cho biết hệ thống điện đã và đang chứng kiến 2 diễn biến quan trọng là đại dịch Covid-19 và sự bùng nổ của năng lượng điện mặt trời. Trong đó, dịch Covid-19 theo ban lãnh đạo là còn nhiều phức tạp và chưa biết khi nào sẽ kết thúc.

Chưa kể, giá than nhập khẩu cũng đang có xu hướng tăng mạnh cũng gây ảnh hưởng làm tăng giá thành sản xuất điện của PGV, từ đó giảm sức cạnh tranh trên thị trường điện.

Ứng phó, PGV sẽ tiếp tục chủ trương triển khai nhiều giải pháp từ đảm bảo nguồn nhiên liệu, giảm tiêu hao nhiên liệu, nâng cao hiệu quả hoạt động nhà máy… song song tập trung tối ưu hóa khí, cân đối tài chính, cơ cấu lại các khoản nợ.

Năm 2021, PGV dự kiến trả 5.300 tỷ đồng nợ gốc vay. Tính đến thời điểm 31/12/2020, nợ vay của PGV là gần 50.400 tỷ đồng, tính bình quân PGV theo ông Lâm đã trả được khoảng 5.000 tỷ/năm và sẽ tiếp tục duy trì điều này thời gian tới. Theo lộ trình, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu sẽ về mức nhỏ hơn 3 đến cuối 2022.

Dù vậy, nhu cầu phụ tải trong quý 2/2021 theo dự báo sẽ tăng trở lại, ông Lâm kỳ vọng sản lượng của khối thủy điện PGV cũng tăng lên vào các quý cuối năm. Công ty sẽ phấn đấu hoàn thành vượt từ 10-15% kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Năng lượng tái tạo sẽ không còn tăng nóng, hệ thống vẫn cần những nguồn điện cơ bản như khí, than, thuỷ điện

Liên quan đến năng lượng tái tạo phát triển mạnh thời gian qua, theo ông Lâm tình trạng tăng tốc quá nhanh này sẽ không duy trì trong những năm tới; nguyên nhân do các dự án điện gió không thể phát triển nhanh như điện mặt trời. Bởi, điện gió thi công rất khó, suất đầu tư cũng cao tương đương nhà máy thủy điện nên không thể có sự bùng nổ.

Do đó, khi không có các nguồn điện mới phát triển quá nhanh, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu điện, đặc biệt khi đại dịch được kiểm soát và nhu cầu sản xuất tăng trưởng trở lại. Đến giai đoạn 2022-2023, lãnh đạo PGV cho rằng Việt Nam có thể đối diện với nguy cơ thiếu điện lớn. Như vậy, hệ thống vẫn cần những nguồn điện cơ bản như khí, than, thủy điện và PGV đang có những nguồn điện này – đây là lợi thế của Công ty.

Theo Quy hoạch điện VIII có thể được phê duyệt trong quý 3 tới đây, các dự án năng lượng tái tạo sẽ thực hiện theo hình thức đấu thầu. Phương thức đấu thầu thế nào sẽ có hướng dẫn sau. Trong xu hướng chung, PGV sẵn sàng tham gia theo hình thức đấu thầu với các dự án điện gió ở quy mô nhỏ, dưới 100 MW.

Kết thúc 4 tháng đầu năm, PGV ghi nhận sản lượng điện công ty mẹ đạt 9.24 tỷ kWh; doanh thu ước đạt gần 12.800 tỷ đồng, thực hiện được 32% kế hoạch. Khấu trừ chi phí, Công ty đạt 1.030 tỷ lợi nhuận trước thuế, tương ứng 67% chỉ tiêu cả năm.

Dời kế hoạch thoái vốn Vĩnh Sơn - Sông Hinh sang năm 2022

Về kế hoạch đầu tư, đối với dự án trọng điểm là Dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn, Tổng Giám đốc Lê Văn Danh cho biết Công ty đã theo đuổi từ lâu. Ngày 23/4 mới đây, dự án đã được Thủ tướng đã phê duyệt bổ sung giai đoạn 1 với quy mô 1.200 - 1.500 MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, với yêu cầu đưa vào vận hành trong giai đoạn 2025-2026. Hiện nay, PGV đang triển khai các thủ tục đầu tư đối với giai đoạn 1, và sẽ tiếp tục xúc tiến đưa giai đoạn 2 của dự án vào Quy hoạch điện VIII.

Một dự án quan trọng khác là Thủy điện Thượng Kon Tum, PGV cũng đóng góp nhiều công sức và nguồn lực nhằm thúc đẩy đưa nhà máy vào hoạt động. Với đường hầm dài 17 km, Thượng Kon Tum là dự án phức tạp về mặt kỹ thuật, đồng thời, đòi hỏi nguồn vốn lớn để triển khai. Hiện, tổ máy số 1 đã được đưa vào vận hành từ ngày 01/04 và tổ máy số 2 là ngày 19/4/2021.

Liên quan đến kế hoạch thoái vốn tại Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VHS), theo PGV do Thượng Kon Tum vừa mới được đưa vào vận hành trong năm nay, theo đó PGV dời kế hoạch thoái vốn cho đến khi dự án đàm phán được giá điện mới. Công tác này theo kế hoạch sẽ được thực hiện trong năm 2022.

Chưa kể, PGV cũng có tỷ lệ sở hữu rất cao bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), theo quy định thì PGV cần phải thực hiện những quy trình định giá rất chặt chẽ đối với VSH. PGV khó có thể tiến hành thoái vốn ngay trên sàn chứng khoán được.

Tri Túc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên