MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Eximbank: Tranh cãi nảy lửa, cổ đông nói Ban chủ tọa Eximbank quá yếu, đại hội lại hoãn

21-06-2019 - 10:27 AM | Tài chính - ngân hàng

"Chúng tôi rất xấu hổ vì thời gian qua đã để Eximbank đi đến cảnh này. Do đó, chúng tôi rất ghi nhận những đề nghị của cổ đông, và sẽ cố gắng đoàn kết để đưa Eximbank phát triển trở lại. Chúng tôi rất đau xót khi Eximbank từ một ngân hàng Top 3 đến nay đã thụt lùi", ông Cao Xuân Ninh nói.

Sáng ngày 21/6/2019, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) chính thức tổ chức ĐHĐCĐ thường niên sau 2 lần trì hoãn, đại hội lần này đủ điều kiện tổ chức với số cổ đông tham dự sở hữu hơn 51% cổ phần có quyền biểu quyết của Ngân hàng.

Trước đó, cuộc họp này được dự kiến tổ chức vào ngày 26/4 nhưng bất thành do không đủ 65% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Lịch họp được dời lại vào ngày 26/5 nhưng phía ngân hàng cho biết cần thêm thời gian để chuẩn bị hoàn thiện kỹ lưỡng công tác tổ chức cuộc họp được đồng nhất và thành công, nên cuộc họp lại buộc phải hoãn lần nữa.

Sau nhiều xáo trộn nhân sự cấp cao, đến nay, ông Cao Xuân Ninh được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Minh Quốc. Ông Nguyễn Cảnh Vinh - Phó Tổng giám đốc Thường trực - được bổ nhiệm làm Quyền Tổng giám đốc ngân hàng.

ĐHĐCĐ Eximbank: Tranh cãi nảy lửa, cổ đông nói Ban chủ tọa Eximbank quá yếu, đại hội lại hoãn - Ảnh 1.

Cổ đông nắm giữ 70 triệu cổ phần có quyền biểu quyết phát biểu ngay phiên mở đầu Đại hội.

Phó Chủ tịch: Ông Lê Minh Quốc ký Nghị quyết 231 là trái quy định pháp luật và của Eximbank

Cổ đông nắm giữ 70 triệu cổ phần có quyền biểu quyết phát biểu ngay phiên mở đầu Đại hội. Cổ đông này bày tỏ bức xúc nhiều lãnh đạo coi thường cổ đông cũng như vi phạm luật pháp Việt Nam, lưu ý lợi ích nhóm đặc biệt tổ chức tín dụng. Cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corp (SMBC) cũng không chấp nhận và có gửi văn bản lên Eximbank, ông này đề nghị ông Đặng Anh Mai – Phó Chủ tịch HĐQT và ông Hoàn Tuấn Khải (đại diện chủ tọa cuộc họp tháng 5) để xem xét lại tư cách ông Cao Xuân Ninh với tư cách chủ toạ.

Ông Mai cho biết, đối với phiên họp ngày 15/5 do ông và ông Hoàng Tuấn Khải đã triệu tập lần hai đồng thời hai người đã ký các tờ trình liên quan, bao gồm Nghị quyết 112 và bãi nhiệm ông Lê Minh Quốc khỏi tư cách Chủ tịch HĐTQ đồng thời bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay thế, mục đích để HĐQT không muốn mất quá nhiều thời gian tại toà.

Ngày 15/5, khi cuộc họp HĐQT chưa kết thúc và chưa có biên bản họp, ông Lê Minh Quốc đã lấy tư cách HĐQT đã ký Nghị quyết 231 chấm dứt Nghị quyết 112. Biên bản này ông Mai với tư cách chủ tọa chưa hề được biết. Đến ngày 17/5, ông Mai đã yêu cầu ông Quốc gửi lại biên bản nhưng không hề nhận được.

Theo ông Mai, Nghị quyết 231 được ban hành trước khi nhận được quyết định 159 của Tòa án nên Nghị quyết này là trái pháp luật. Việc ông Quốc ký Nghị quyết 231 là trái thẩm quyền và vi phạm pháp luật.

Tựu trung lại, ông Mai bày tỏ kiến cá nhân, Nghị quyết 231 ban hành khi cuộc họp chưa kết thúc, chưa được tất cả người dự họp thông qua và chưa hề biết về biên bản này mặc dù có yêu cầu trình biên bản. Nghị quyết 231 trước khi có được quyết định của Toà, ông Mai cho rằng quan điểm này không đúng pháp luật. Việc ông Lê Minh Quốc ký Nghị quyết 231 là trái quy định pháp luật và của Eximbank.

Vì quyền lợi của các cổ đông, với tư cách người triệu tập và chủ tọa của cuộc họp ngày 15/5, ông Mai không đồng tình Nghị quyết 231 bầu Chủ tịch HĐQT và Quyền Tổng Giám đốc mới. Ông Mai khẳng định sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và cổ đông.

Được biết, Nghị quyết 231 do ông Lê Minh Quốc ký hủy bỏ Nghị quyết 112 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú - Thành viên HĐQT Eximbank vào ghế Chủ tịch HĐQT. Đồng thời, đơn đề nghị đình chỉ thực hiện nghị quyết được ban hành trên cơ sở cuộc họp HĐQT không hợp lệ ngày 20/5 bao gồm Nghị quyết 238 bầu ông Cao Xuân Ninh vào chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank thay cho ông Lê Minh Quốc; Nghị quyết 239 thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh - Phó tổng giám đốc thường trực giữ chức danh quyền Tổng giám đốc Eximbank; Nghị quyết 242 về việc hoãn đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 lần thứ 2 tổ chức ngày 26/5.

Ông Cao Xuân Ninh: "Tư cách Chủ tịch HĐQT và chủ tọa ĐHĐCĐ của tôi hôm nay là hợp pháp"

Trước sự tranh cãi qua lại, cổ đông Đức, đại diện hơn 41 triệu cổ phiếu biểu quyết nói: "Chúng tôi là cổ đông đến đây nghe về tình hình kinh doanh của Ngân hàng, chứ không đến nghe kiến nghị, tranh cãi đúng sai của các nghị quyết, điều này nên được diễn ra tại Toà".

ĐHĐCĐ Eximbank: Tranh cãi nảy lửa, cổ đông nói Ban chủ tọa Eximbank quá yếu, đại hội lại hoãn - Ảnh 2.

Vẫn chưa dừng lại, cổ đông nước ngoài đại diện SMBC (cổ đông chiến lược) yêu cầu Ngân hàng Eximbank tuân thủ đúng luật và điều lệ ngân hàng Việt Nam.

Vẫn chưa dừng lại, cổ đông nước ngoài đại diện SMBC (cổ đông chiến lược) yêu cầu Ngân hàng Eximbank tuân thủ đúng luật và điều lệ ngân hàng Việt Nam. Ban chủ tọa có yêu cầu cổ đông này không được lớn tiếng tại Đại hội.

Tiếp tục, đại diện SMBC này nói, các vị trí quan trọng bao gồm Chủ tịch ảnh hưởng rất lớn đến Eximbank, và riêng SMBC thời gian qua có nhiều văn bản gửi đến HĐQT không đồng ý những Nghị quyết tuy nhiên không được trả lời thấu đáo. Do đó, vị này khẳng định tại ĐHĐCĐ hôm nay là thời điểm để đi đến quyết định quan trọng.

Ông Cao Xuân Ninh phát biểu, những gì mà ông Mai đưa ra nãy giờ là đúng với quy định pháp luật, trong cuộc họp hôm qua có 8 thành viên tham gia, trong đó có 1 người từ SMBC, cuộc họp cũng đã thống nhất Nghị quyết 231 được thông qua một cách nhất quán.

Ông Ninh chốt: "Tư cách Chủ tịch HĐQT và chủ tọa ĐHĐCĐ hôm nay là hợp pháp". Hiện tòa đã đình chỉ Nghị quyết 231, do đó quan điểm từ phía xã hội cũng như Eximbank, ông Ninh là người chủ tọa cuộc họp hợp lệ.

Vẫn ý kiến xem xét lại tư cách ban chủ toạ

Nhiều cổ đông tiếp tục nêu ý kiến, tuy nhiên ban chủ tọa cho rằng ĐHĐCĐ có rất nhiều vấn đề cần bàn bạc, do đó những vấn đề không bao gồm trong nội dung thì nên được xem xét riêng. Tức, Ngân hàng sẵn sàng bố trí phòng riêng để trả lời những ý kiến này.

Trước lời đề nghị của chủ toạ, một cổ đông gay gắt phản đối, cho rằng mọi việc nên bàn bạc trước toàn thể cổ đông, không thể nói là bố trí phòng riêng.

Tiếp lời, một cổ đông khác yêu cầu đoàn chủ tọa hôm nay có thực sự đủ tư cách hay không. Do đó, cổ đông đề nghị trước khi đi vào Đại hội, nên thống nhất và biểu quyết về tư cách chủ tạo cuộc họp hôm nay.

Trả lời, đại diện chủ tọa khẳng định cuộc họp hôm nay cũng như tư cách chủ tọa là hoàn toàn hợp lệ. 

Ông Nguyễn Chấn - chồng đại gia Tư Hường bất ngờ xuất hiện...

Tại đại hội, đại diện vợ chồng ông Nguyễn Chấn – bậc sinh thành của ông Nguyễn Quốc Toàn, chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á - cho biết những tài sản mà vợ chồng đã thức khuya dậy sớm gây dựng đã bị con trai là ông Nguyễn Quốc Toàn “cướp đoạt”. Do đó, tại đại hội lần này, ông Chấn gửi lời đề nghị tất cả cổ phần của hai vợ chồng đồng thời của con trai là ông Toàn, đình chỉ các quyền cổ đông đối với ông Toàn cũng như các bên liên quan, nhằm bảo đảm lợi ích cổ đông cũng như gia đình ông Toàn…

ĐHĐCĐ Eximbank: Tranh cãi nảy lửa, cổ đông nói Ban chủ tọa Eximbank quá yếu, đại hội lại hoãn - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Chấn - Chồng đại gia Tư Hường tại ĐHĐCĐ Eximbank

Các cổ đông phản ứng gay gắt trước phần trình bày của ông Chấn, cho rằng mâu thuẫn gia đình này không liên quan đến Eximbank, yêu cầu chủ toạ tiếp tục phiên Đại hội.

Tranh cãi nảy lửa, cổ đông nhận định: "Ban điều hành yếu quá!"

Cổ đông tham gia hàng chục năm tại Ngân hàng cho rằng nên đoàn kết lại, để giải quyết những mâu thuẫn, cùng hướng đến xây dựng Eximbank thành công hơn. "Ban điều hành yếu quá, quý vị nên rút kinh nghiệm. Nếu điều hành tốt thì không có diễn ra đại hội như hôm nay, như một cái chợ. Dù chúng tôi là cổ đông nhỏ, rất ít cổ phiếu, nhưng chúng tôi đến đây mong Eximbank là mẹ - người mẹ đi chợ về cho những đứa con một gói quà. Còn chúng tôi thì không có gì cả. Thậm chí đại hội đã lần thứ hai, vẫn chưa đi vào được vấn đề chính".

Đại hội ra cơ sự này do chưa thống nhất và không thoả mãn về ban chủ toạ, nên một cổ đông lại ý kiến nên quyết lại ban chủ toạ trước khi tiếp tục cuộc họp. 

Tân Chủ tịch Eximbank, ông Cao Xuân Ninh nói gì?

"Chúng tôi rất xấu hổ vì thời gian qua đã để Eximbank đi đến cảnh này. Do đó, chúng tôi rất ghi nhận những đề nghị của cổ đông, và sẽ cố gắng đoàn kết để đưa Eximbank phát triển trở lại. Chúng tôi rất đau xót khi Eximbank từ một ngân hàng Top3 đến nay đã thụt lùi", ông Cao Xuân Ninh nói. 

Tiếp tục, ông Ninh nói việc được bầu làm Chủ tịch là hoàn toàn hợp lệ như đã trình bày. Tuy nhiên, một số quan hệ cá nhân của cổ đông đã ảnh hưởng để tỷ lệ bầu, dẫn đến không phản ánh đúng ý kiến cổ đông. Do đó, chúng ta không đủ tỷ lệ phiếu thông qua quy chế Đại hội.

Và để Đại hội có thể tiếp tục, ông Ninh cho biết xin ý kiến để cổ đông thông qua một lần nữa. Nếu vẫn không đủ thì buộc phải tuyên bố dừng Đại hội và tổ chức sau đó vào thời gian thích hợp. Ông Ninh yêu cầu ông Dũng – Trưởng ban kiểm soát lấy lại ý kiến cổ đông.

Nhiều cổ đông đồng loạt cho rằng Đại hội vẫn nên tiếp tục, không có lý gì đang diễn ra lại hoãn. Đại diện SMBC cũng thể hiện quan điểm Đại hội nên tiếp tục diễn ra.

Tuy nhiên phía SMBC nhấn mạnh không đồng ý việc ban kiểm soát lấy lại ý kiến vì hai lý do: (1) không tin tưởng ban chủ toạ và (2) không tin tưởng ban kiểm phiếu.

Sau nhiều tranh cãi, ĐHĐCĐ Eximbank lần 2 tạm dừng. Ban Chủ tọa cho biết sẽ tiếp tục tổ chức trong thời điểm thích hợp lần tới.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên